Xuôi theo dòng nước: Hình ảnh của những dòng sông trong các bức họa nổi tiếng

Admin
Qua hàng ngàn năm, sông đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận với người nghệ sĩ

Từ buổi bình minh của nhân loại, các dòng sông đã được xem là biểu tượng của sự sống. Hầu hết những thành phố phồn vinh xuyên suốt lịch sử đều nằm bên một dòng sông. Ta nhận lấy dưỡng chất từ sông để nuôi sống thân thể và thu vào mắt vẻ đẹp của sông để bồi đắp tâm hồn. Qua hàng ngàn năm, sông đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận với người nghệ sĩ. Từ đó, họ cho ra đời vô vàn “dòng sông” khác nhau dưới góc nhìn độc đáo của nghệ thuật.

Bức “The Oxbow”

The Oxbow – Thomas Cole. Bảo tàng mỹ thuật Metropolitan, New York, Mỹ.

Đối với họa sĩ thuộc Trường phái Hudson River, tranh phong cảnh chưa bao giờ đơn giản chỉ là vẽ về thiên nhiên. Trong bức The Oxbow, Thomas Cole đã vẽ ra những đường nét uốn lượn mềm mại của dòng sông Connecticut sau một cơn giông. Tranh có bước chuyển cảnh vô cùng rõ rệt: khu rừng hoang vu chưa từng có ai lui tới, tiềm tàng nguy hiểm ở nửa bên trái chuyển dần sang khung cảnh đầy ánh sáng ở phía bên phải. Những mảnh đất trồng trọt và chăn thả gia súc được chia ô vuông ngay ngắn, những chiếc thuyền nhỏ lướt chậm rãi trên mặt sông cũng toát lên vẻ yên bình đối lập. Trong bức tranh, con người đã sử dụng thiên nhiên một cách hiệu quả mà vẫn không làm mất đi tính nguyên sơ vốn có của nó.

Bức “Nocturne in Black and Gold, the Falling Rocket” - “Dạ khúc ánh vàng trong đêm: Pháo hoa rơi”

Dạ khúc ánh vàng trong đêm: Pháo hoa rơi – James Abbott McNeill Whistler. Viện Nghệ thuật Detroit.

Trong một đêm hoan ca tại London, John Abbott McNeill Whistler đã hào hứng hoạ lại màn pháo hoa tuyệt đẹp tại Cremorne Gardens, gần sông Thames. Giữa màn đêm phủ màu xanh đen huyền ảo, những vệt màu vàng kim trở nên rực sáng hơn bao giờ hết. Trong tranh, Whistler “mập mờ” tiến đến chủ nghĩa hiện đại. Hoạ sĩ tạo ra một trải nghiệm cảm xúc thay vì chỉ nghệ thuật hoá hiện thực. Đúng với phương châm “nghệ thuật vị nghệ thuật”, bức tranh chỉ nhằm mục đích thẩm mỹ chứ không mang bất kỳ ý nghĩa giáo dục hay đạo đức nào khác.

Bức “The Fighting Temeraire” - “Tàu chiến Temeraire”

“Tàu chiến Temeraire” – J.M.W. Turner. Bảo tàng quốc gia London, Anh Quốc.

Các dòng sông cũng thường để lại những mốc son quan trọng trong lịch sử. Temeraire - tên của bức tranh, là con tàu anh hùng của hải quân Anh, đóng vai trò quan trọng trong trận Trafalgar năm 1805. Nhưng vào năm 1839, khi tàu chiến bị coi là lỗi thời, hoạ sĩ Turner đã vẽ lại Temeraire vào thời khắc nó bị kéo đi tháo dỡ. Hình ảnh con tàu chạy bằng hơi nước tân tiến kéo Temeraire tiến vào sông Thames đã đặt dấu chấm hết cho một kỷ nguyên trong lịch sử quân sự. Con tàu chiến tựa như một bóng ma được khắc họa với màu xám và xanh lam, khiến toàn bộ tác phẩm trông như một câu chuyện ngụ ngôn về sự tiến bộ của công nghệ.

Bức The Lady of Shalott - Nàng tiên xứ Shalott

Nàng tiên xứ Shalott – John William Waterhouse (1888). Tate Britain, London, UK.

Sức hấp dẫn của các dòng sông cũng ảnh hưởng mạnh mẽ lên thi ca, gợi cho hoạ sĩ nhiều cảm hứng vô cùng độc đáo. Bài thơ cùng tên của Tennyson kể về một cô gái trốn chạy khỏi lời nguyền giam cầm mình để đi tìm xứ Camelot và chàng hiệp sĩ Lancelot trong mơ. Bức tranh vẽ lại giây phút cô gái can đảm ngồi trên thuyền gỗ xuôi sông, sẵn sàng đến với tự do, đồng thời cũng chờ đợi cái chết của mình. Bởi nàng biết lời nguyền đã giáng xuống từ khoảnh khắc nàng lựa chọn rời đi.

Trên bức tranh, cô gái buông nhẹ sợi xích giữ thuyền để bắt đầu cuộc hành trình, như thể nàng bỏ lại tất cả vướng bận từng kìm hãm mình để đi tìm tự do. John William Waterhouse quả là bậc thầy vẽ tranh phong cảnh khi làm nổi bật sự tươi tốt bên bờ sông, cũng như những mảng màu đan xen rực rỡ trên tấm thảm nơi cạnh thuyền.

Bức The Four Continents - Bốn dòng sông trên thiên đàng

Bốn vị thần lục địa – Peter Paul Rubens (1612-1615). Bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna, Áo.

Tầm quan trọng của các dòng sông đối với sự phát triển của nền văn minh nhân loại đã khơi dậy truyền thống nhân hóa các vùng nước, mà chủ yếu được thể hiện qua hình ảnh các vị thần sông. Tư tưởng này bắt nguồn từ nghệ thuật Hy Lạp cổ đại và được kế thừa bởi hội họa và điêu khắc châu u.

Trong tranh, Rubens vẽ bốn lục địa mà nhân loại đã khám phá ra vào thời điểm đó, kết hợp với những dòng sông ông cho là quan trọng nhất của mỗi lục địa. Trong đó, Châu u với sông Danube, Châu Á với sông Hằng, Châu Mỹ với Rio de la Plata và Châu Phi với sông Nile.

Kết lại cho câu hỏi một dòng sông có thể có bao nhiêu “khuôn mặt”? Câu trả lời là vô vàn. Hình ảnh dòng sông xuất hiện trong hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả các thể loại hội họa. Sông đánh dấu những sự kiện lịch sử vĩ đại và chảy mãi về phía trước theo sự phát triển của nhân loại. Hoặc có thể, vẻ đẹp của sông chỉ đơn giản mang đến mỹ cảm tuyệt vời và những giây phút thư giãn cho người yêu tranh.

Bài: Thu Trang - Theo DailyArt Magazine

Admin