Nôn là phản ứng tốt của cơ thể nhằm loại bỏ các chất độc chuyển hóa từ rượu ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, việc nôn quá mức có thể gây mất nước, gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được bổ sung nước kịp thời.
1. Nôn sau khi say rượu, nguyên nhân do đâu?
Nôn là cách tự nhiên của cơ thể để loại bỏ các chất gây hại ra ngoài. Rượu khi vào cơ thể sẽ được gan chuyển hóa thành acetaldehyde, một chất độc. Sau đó, acetaldehyde sẽ được chuyển thành acetate, rồi thành nước và carbon dioxide và được loại bỏ ra ngoài cơ thể.
Gan chỉ xử lý được một hàm lượng acetaldehyde nhất định. Nếu mức acetaldehyde cao hơn khả năng xử lý của gan, cơ thể sẽ phản ứng nôn để loại bỏ các hóa chất dư thừa ra ngoài. Theo đó, uống rượu quá mức có thể là nguyên nhân gây nôn sau khi uống rượu. Theo Viện Quốc gia về Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu (NIAAA), uống rượu quá độ là khi phụ nữ hoặc nam giới uống khoảng 4 - 5 ly trong 2 giờ.
XEM THÊM: Vì sao khi uống rượu thường đau đầu và buồn nôn?
Các yếu tố dưới đây cũng có thể khiến mọi người đau đầu buồn nôn sau khi uống rượu:
1.1. Viêm dạ dày
Uống rượu có thể khiến dạ dày tiết ra nhiều axit hơn bình thường. Axit tích tụ có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm, được gọi là viêm dạ dày và gây ra:
- Đau bụng
- Nôn
- Tiêu chảy
- Chảy máu dạ dày
1.2. Nhiễm toan ceton do rượu
Một nguyên nhân khác có thể gây nôn sau khi uống rượu là nhiễm toan ceton do rượu (AKA). AKA thường xảy ra ở những người nghiện rượu. Sau khi uống rượu, những người bị AKA thường không thể dung nạp thức ăn trong vòng 1-3 ngày.
Người bị AKA có thể bị nôn liên tục và đau dạ dày. Bệnh có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, cần đi khám ngay lập tức nếu nghi ngờ mắc bệnh.
1.3. Ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu là một nguyên nhân khác có thể gây tử vong do nôn sau khi uống rượu. Nó xảy ra khi uống một lượng lớn rượu trong một khoảng thời gian ngắn.
Theo NIAAA, các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc rượu bao gồm:
- Rối loạn tâm thần
- Giảm ý thức hoặc không thể thức dậy
- Nôn
- Co giật
- Thở chậm, nghĩa là ít hơn 8 nhịp thở/phút
- Thở không đều, với 10 giây hoặc hơn giữa các nhịp thở
- Nhịp tim chậm
- Da sần sùi
- Phản ứng chậm
- Không có phản xạ bịt miệng
- Nhiệt độ cơ thể cực thấp
- Da xanh hoặc nhợt nhạt
Nếu thấy người uống rượu có bất cứ triệu chứng nào ở trên thì người thân nên gọi cấp cứu ngay lập tức.
1.4. Uống rượu kết hợp các chất khác
Uống rượu cùng các loại thuốc khác như thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và thuốc bất hợp pháp có thể rất nguy hiểm. Rượu có thể làm tăng tác dụng phụ của một số loại thuốc như buồn ngủ và choáng váng. Một số loại thuốc khác có thể gây ra các phản ứng sau khi kết hợp với rượu:
- Buồn nôn, nôn
- Đau đầu
- Ngất xỉu
- Mất khả năng phối hợp
Theo NIAAA, trộn một số loại thuốc với rượu có thể làm tăng nguy cơ bị chảy máu trong, các vấn đề về tim mạch và khó thở. Do đó, mọi người cần đọc đầy đủ thông tin trên sản phẩm thuốc, trong đó có các khuyến cáo về rượu. Cocaine và heroin có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tử vong, khi uống với rượu.
2. Nôn kéo dài có gây ra biến chứng nguy hiểm?
Người nhà cần theo dõi những người bị nôn sau khi say rượu, nếu phát hiện các dấu hiệu sau thì cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức:
- Đã liên tục nôn mửa trong hơn 24 giờ
- Không thể ngừng nôn
- Có dấu hiệu mất nước như chóng mặt, nước tiểu sẫm màu hoặc không thể đi tiểu trong một thời gian
- Máu trong chất nôn
- Khó thở
- Có nhiệt độ lớn hơn 38,5°C
Mất nước có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe trong cơ thể. Đó là lý do tại sao bạn nên điều trị sớm hơn nếu có dấu hiệu mất nước.
3. Có nên cố nôn sau một đêm uống rượu?
Cố gắng nôn sau một đêm uống rượu có thể gây khó chịu cho thực quản. Móc họng có thể gây rách thực quản, gây chảy máu. Nó cũng làm tăng nguy cơ trào ngược axit, làm hỏng răng và trào ngược vào phổi. Do vậy, là nên để quá trình nôn diễn ra tự nhiên.
Thường xuyên khiến bản thân nôn có thể gây ra các biến chứng như:
- Mất cân bằng điện giải
- Loét dạ dày, thực quản
- Tổn thương cổ họng
- Sâu răng
- Mất nước
4. Các biến chứng của nôn sau khi uống rượu
Một trong những biến chứng đáng kể nhất là mất nước. Nó làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của cơ thể và thậm chí làm tổn thương thận. Trong trường hợp này cần cho người say rượu uống từng ngụm nước nhỏ giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước. Các biến chứng tiềm ẩn khác, nhưng hiếm hơn do nôn sau khi uống rượu bao gồm:
- Tổn thương niêm mạc dạ dày hoặc thực quản
- Chảy máu đường tiêu hóa do kích thích hoặc rách niêm mạc thực quản
- Hít chất nôn vào phổi, có thể dẫn đến viêm phổi
5. Biện pháp khắc phục và điều trị để tỉnh táo sau uống rượu
Những biện pháp thường được sử dụng để tỉnh táo sau uống rượu như uống cà phê, tắm nước lạnh có thể gây hại nhiều hơn lợi. Caffeine có thể làm mất nước thêm ở người đã mất nước do rượu. Nếu say rượu, khả năng giữ thăng bằng có thể bị giảm, vì vậy việc bước đi có thể dẫn đến tai nạn và thương tích nghiêm trọng. Rượu làm giảm nhiệt độ cơ thể, do đó tắm nước lạnh có thể làm giảm nhiệt độ hơn nữa, làm tăng nguy cơ hạ thân nhiệt.
Điều tốt có thể làm để giảm ảnh hưởng của rượu là uống có chừng mực hoặc kiêng hoàn toàn. Uống không quá 14 đơn vị rượu mỗi tuần có thể giúp giảm nguy cơ liên quan đến việc uống rượu. Ăn bữa ăn giàu carbohydrate trước khi uống rượu có thể giúp làm chậm tốc độ hấp thụ rượu. Uống nước hoặc soda giữa các đồ uống có cồn cũng có thể làm giảm tác dụng của rượu.
Nôn sau khi say rượu là một phản ứng tích cực của cơ thể để đào thải độc tố ra ngoài. Tuy nhiên, nếu tình trạng nôn khó kiểm soát có thể để lại biến chứng nguy hiểm mất nước, ảnh hưởng đến thần kinh cùng nhiều các cơ quan khác. Vì thế, tùy thuộc thể trạng người bệnh, người thân cần sớm đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com