Tôi, một cô gái nhỏ bé, nhưng lại chọn bước chân vào nghề kiểm soát nội bộ. Với đặc thù công việc ấy, tôi thường xuyên phải công tác xa nhà. Những chuyến công tác triền miên nơi xứ người suốt dọc mọi miền đất nước khiến tôi thêm trân quý những khoảng khắc được ở bên gia đình. Khi thành công hay thất bại, khi ốm đau hay buồn tủi, nỗi nhớ nhà càng quặn thắt trong tôi.
Ngôi nhà tôi ở, thuộc vùng quê nghèo chiêm chũng. Đó là một ngôi nhà tranh vách đất. Nhà tôi nghèo, rất nghèo, trong nhà không có nổi một thứ đồ đạc giá trị, nhưng với tôi đó là một ngôi nhà tuyệt vời nhất, là nơi tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và bình yên. Đây là nơi đầu tiên dạy tôi những câu nói đầu đời, những bước chân chập chững biết đi. Nơi dạy cho tôi biết thế nào là yêu thương, chở che và bao dung. Nhà là nơi duy nhất luôn dang rộng vòng tay đón tôi trở về sau những vấp ngã.
Năm tháng trôi qua, mái nhà tranh ấy đã không còn đứng vững được với thời gian. Cũng là lúc chị em chúng tôi đi làm được vài năm, có một khoản tích góp. Chúng tôi tập chung dựng lại cho ba mẹ một ngôi nhà khác khang trang hơn. Nhưng hình ảnh ngôi nhà tranh khi xưa luôn là một hình ảnh đẹp nhất trong trái tim tôi.
Ba mẹ nghèo, chắt chiu từng đồng nuôi bốn chị em tôi ăn học. Chúng tôi cũng vì thế mà tự bảo ban nhau ngoan ngoãn, học hành. Gia đình hoàn cảnh, nhưng tôi không ngại mỗi khi dẫn bạn bè về nhà. Tôi tự hào về nơi ấy, nơi có mẹ có ba, nơi ngọn lửa yêu thương luôn hừng hực cháy từng ngày. Ba mẹ tôi cho dù có vất vả thế nào vẫn lo cho chúng tôi được ăn học đoàng hoàng.
Tôi còn nhớ... gia đình tôi ngày xưa nghèo lắm, cả tháng trời mới được ăn một bữa cơm với thịt. Mẹ bảo với chúng tôi rằng: “Mẹ không thích ăn thịt đâu, mẹ ăn rau cho mát”. Tôi ngây ngô tưởng đó là sự thật, sau này lớn lên tôi mới hiểu.
Tôi còn nhớ… những bữa cơm sáng nóng hổi được mẹ nấu cho ăn trước khi tới trường. Những buổi sáng mùa đông trời lạnh như xé thịt ấy, chẳng cần đồng hồ báo thức, mẹ vẫn dậy từ rất sớm, nhẹ nhàng ra khỏi giường, kéo lại tấm chăn ấm cho chúng tôi ngủ tiếp, rồi một mình lọ mọ xuống bếp nhóm củi nấu cơm. Bát cơm khi đó chỉ có muối vừng thôi, nhưng với tôi có lẽ đó là những bát cơm ngon nhất bởi những bát cơm ấy đong đầy tình mẹ.
Rồi những đêm trời mưa tầm tã, nằm ngủ dưới mái nhà tranh dột nát. Nước mưa rỏ ròng ròng lên mặt làm cả nhà tỉnh giấc. Ba mẹ tôi ngồi dậy, người lấy thau hứng những chỗ bị dột, người dọn dẹp những chỗ khô cho các con ngủ tiếp. Khi đó, tôi ngây ngô hỏi: “Ba ơi, sao ba không xây nhà như nhà các cô các bác, nhà đó không bị dột đâu ba”. Ba không trả lời, chỉ ngồi thở dài, ánh mắt đượm buồn.
Cũng ở ngôi nhà ấy dạy cho tôi bài học chân thực nhất về sự hiếu thảo. Đó là khi nửa đêm tỉnh dậy, tôi được chứng kiến cảnh ba mẹ mình thay nhau ngồi đốt củi cho bà tôi nằm ngủ khi trời đông lạnh giá. Tôi ngồi dậy cùng mẹ, nhưng mẹ bảo: “Con ngủ đi, mai còn dậy sớm đi học, mẹ trông bà được rồi”. Lúc đó, tôi thương ba mẹ lắm, tự nhủ với lòng mình, sau này ra trường đi làm, có tiền rồi nhất định sẽ không để ba mẹ phải khổ nữa, nhất định tôi sẽ hiếu thảo với ba mẹ như ba mẹ đã hiếu thảo với ông bà.
Tôi nhớ như in những buổi chiều tà, khi chúng tôi đã làm xong mọi việc trong nhà. Bốn chị em chúng tôi kê ghế ra sân ngồi hóng mát, đợi ba mẹ đi làm đồng về, hát ca vang cả xóm làng. Thủa ấy nghèo mà sao vui thế. Ngôi nhà là nơi chứa đựng biết bao tuổi thơ yêu dấu của tôi.
Không bao giờ tôi quên được hình ảnh những bữa cơm cả nhà sáu người, chỉ có một quả trứng gà chiên, bốn chị em chúng tôi hồn nhiên chia nhau ăn dè từng tí một cho đủ bữa. Còn ba mẹ tôi chỉ dám ăn rau thôi. Có cả những khoảng thời gian, bữa sáng, bữa tối của gia đình tôi chỉ toàn là khoai luộc. Những bữa ăn như vậy đã trở thành động lực giúp tôi phải học thật giỏi để sau này có thể thoát nghèo, có thể báo hiếu ba mẹ.
Thời gian thấm thoát đưa, tôi cũng đã trưởng thành, hòa mình vào cuộc sống mưu sinh. Vì làm xa nhà nên hơn ai hết, tôi thấm thía được nỗi nhớ nhà, nhớ người thân thế nào. Mỗi lần về thăm nhà, nhìn thấy ba mẹ mái tóc đã bạc phủ đầu, những nếp nhăn hằn sâu trên khóe mắt. Tim tôi thắt lại, tôi vội quay đi lau dòng nước mắt đang trào dâng trong mình. Tôi muốn xà vào lòng mẹ, muốn khóc thật to mà tôi nào đâu dám. Bởi thứ tình yêu thầm kín ấy trong tôi, tôi chưa một lần dám nói. Tôi trân quý từng ngày nghỉ phép ấy. Tôi nhớ lắm, nhớ những lúc hết phép phải tạm xa mái nhà thân thương để tiếp tục cuộc hành trình, nhớ hình ảnh người mẹ già ngồi chuẩn bị gói ghém hành trang cho đứa con gái bé bỏng. Thực sự những lúc đó bước chân tôi chẳng muốn rời xa, cứ nấn ná ở lại một chút, một chút thôi mà chỉ sợ lỡ chuyến tàu qua. Tôi khóc nhưng vẫn cố dấu những giọt nước mắt đó đi. Nhưng cũng chính những giây phút ấy đã khiến tôi biết trân quý khoảnh khắc được ở bên gia đình, biết yêu thương và trân trọng họ đến nhường nào.
Cuộc sống ngoài kia, dù đôi lúc khó khăn khiến tôi mệt mỏi, dù đôi lúc muộn phiền làm tôi bật khóc. Tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc, vì tôi biết, có một nơi luôn dang rộng vòng tay đón tôi trở về, cho tôi một điểm tựa vững chắc. Đó chính là ngôi nhà thân yêu của tôi, nơi có gia đình tôi ở đó.
Sau tất cả, hình ảnh ngôi nhà thân thương trong tim tôi là một thứ gì đó rất thiêng liêng; không chỉ đẹp như câu hò, lời ru của mẹ mà còn là những dòng cảm xúc chẳng thể gọi tên, chỉ biết rằng rất thân thương và gần gũi. Và cho dù sau này có đi đến cùng trời cuối đất, được sống ở những căn biệt thự sang trọng, được ăn những món ăn đắt tiền, tôi sẽ vẫn mãi dành một mảnh tim mình cho nơi đây, cho cái “mảnh đất tâm hồn” không bao giờ quên đi được này.
Nhà đâu cần rộng lớn, đâu cần giàu sang, miễn là trong đó có đủ yêu thương. Khi ngôi nhà được lấp đầy bằng tình yêu thương, nó sẽ trở thành một gia đình hạnh phúc.
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 207
Admin
Link nội dung: https://ngayqua.com/tap-chi-kien-truc-va-doi-song-1730329506-a7385.html