4
100
Đất nước - Con người/
/Dat-nuoc-Con-nguoi
62
Văn hóa
/Van-hoa
3161141
93643
Tháp Bà Ponagar - điểm đến hấp dẫn ở Nha Trang - Báo Cao Bằng điện tử
https://ngayqua.com/thap-ba-ponagar-diem-den-hap-dan-o-nha-trang-3161141.html
news
Chủ nhật, 20/10/2024 18:35 [(GMT +7)]
Thứ 4, 12/04/2023 | 05:55:58 [GMT +7] A A
Nha Trang - “hòn ngọc biển Đông” không chỉ nổi tiếng về cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, tuyệt đẹp mà còn được biết đến là vùng đất có bề dày lịch sử, nên văn hóa Chăm-pa với những di tích còn tồn tại với thời gian. Trong đó, Tháp Bà Ponagar được coi là danh thắng bậc nhất, biểu tượng du lịch của tỉnh Khánh Hòa.
Cách trung tâm thành phố Nhà Trang khoảng 2 km về phía Bắc, Tháp Bà Ponagar tọa lạc trên ngọn đồi Cù Lao cao khoảng 10m, bên dòng sông Cái, thuộc phường Vĩnh Phước. Tháp bà Ponagar là quần thể đền thờ tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc tuyệt đẹp của thời kỳ Hindu, là di sản văn hóa Chăm-pa lớn nhất vùng Nam Trung Bộ.
Tháp Bà Ponagar được xây dựng vào khoảng năm 817 thể hiện sự cường thịnh tại vương quốc Chăm cổ. Theo sử sách ghi lại, dưới vương triều Panduranga, người Chăm xây dựng các đền tháp trên đồi Cù Lao ở xứ Kauthara, để thờ Nữ thần Ponagar (theo tiếng Chăm là Mẹ Xứ sở) của người Chăm, tên thường gọi là Tháp Bà Ponagar. Di tích có niên đại từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII, qua nhiều lần trùng tu, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tinh thần của dân tộc Chăm. Mỗi công trình chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật của văn hóa Chămpa. Cụm di tích Tháp Bà là điểm đến thu hút hàng triệu lượt khách du lịch bởi sự kỳ vĩ và khả năng tạo tác đầy tài hoa của nghệ thuật điêu khắc Chămpa cổ. Ở mỗi đường nét co duỗi, chuyển động của công trình đều khắc họa một cách sống động hơi thở của thời gian từ quá khứ về với hiện tại để mỗi khi nhìn ngắm du khách không khỏi trầm trồ thán phục.
Trong khuôn viên rộng gần 50.000 m2, Tháp là một quần thể kiến trúc được phân bố thành 3 tầng: Tháp cổng, khu tiền đình Mandapa, khu đền tháp. Do biến động của lịch sử, hiện nay tầng tháp cổng không còn nguyên vẹn, nhưng dấu tích về kiến trúc xưa cũ vẫn còn, đó là những cột trụ, bậc thang được làm bằng đá dẫn lối lên tầng 2. Khu Tiền đình Mandapa có ý nghĩa là một nhà tĩnh tâm, tức là nơi để du khách có thể đến hành hương, tĩnh tâm và thư giãn, có 22 trụ hình bát giác với chiều cao khác nhau; theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đây có thể là nơi chuẩn bị lễ vật trước khi dâng lên hành lễ Bà, là điểm nhấn rất độc đáo của Tháp Bà Ponagar. Khu đền tháp là tầng cao nhất, nơi có thể chứng kiến được khung cảnh thiên nhiên vô cùng tráng lệ, kỳ vĩ, có ngọn tháp cao nhất lên tới hơn 23m.
Đặc biệt, các tháp đều được xây dựng theo kiểu những viên gạch xây chồng lên nhau rất khít mạch mà không nhìn thấy bất kỳ một chất kết dính nào. Đây là nét độc đáo, bí ẩn cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa khám phá được, điều này càng hấp dẫn những du khách yêu thích sự tò mò, khám phá những di tích khảo cổ. Bên cạnh 3 khu vực chính, du khách có thể chiêm ngưỡng các bia ký cổ Chăm-pa tại Tháp bà Ponagar. Những bia ký này có giá trị lớn trong việc nghiên cứu văn hoá, lịch sử của vương quốc Chăm cổ xưa kia.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật tiêu biểu, từ năm 1979, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Tháp Bà Ponagar là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Đến thăm Tháp Bà Ponagar, ngoài việc tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, tâm linh, du khách còn có dịp thưởng thức những vũ điệu Chăm-pa làm đắm say lòng người, tạo ấn tượng đẹp cho du khách khi đến với nơi tôn kính này. Tháp Bà Ponagar là nơi thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động văn hóa lễ hội. Năm 2012, lễ hội Tháp Bà Ponagar được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là lễ hội thường niên nhằm tưởng nhớ Thiên Y thánh mẫu Ana, người được dân gian tôn vinh là Mẹ xứ sở của vùng đất Nam Trung Bộ đã dạy dân biết cách trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải; cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên.
Hằng năm, vào ngày lễ vía Bà (từ 21 - 23/3 âm lịch), khu di tích Tháp Bà Ponagar lại đón hàng vạn du khách tới hành hương. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa đặc trưng của văn hóa dân tộc Chăm như: lễ thay y Thánh Mẫu, lễ cầu quốc thái dân an, thả hoa đăng trên dòng sông Cái, lễ hoàn kinh, lễ tế cổ truyền, múa Chăm, múa dâng cúng Mẫu, biểu diễn tuồng, múa lân, múa bóng… Qua đó, giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp của văn hoá Chăm, thể hiện nét giao thoa văn hóa của người Kinh và người Chăm được trao truyền qua bao thế hệ.
Giữa phố thị sầm uất, những tháp Chăm nghìn năm tuổi vẫn còn tồn tại là biểu tượng văn hóa và những giá trị cốt lõi của lịch sử không thể lãng quên. Tham quan Tháp Bà Ponagar và tìm hiểu văn hóa dân tộc Chăm là một trải nghiệm lý thú không nên bỏ qua của du khách trong hành trình khám phá thành phố biển Nha Trang tuyệt đẹp.
Bảo Bình
Admin
Link nội dung: https://ngayqua.com/thap-ba-ponagar-diem-den-hap-dan-o-nha-trang-bao-cao-bang-dien-tu-1729424107-a4350.html