Gãy chân: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị & phòng ngừa

Gãy chân là tình trạng xương chân bị đứt hoặc nứt một phần hoặc toàn bộ do va đập, rơi, xoay hay bẻ cong quá mức, có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của chân.

Tư vấn chuyên môn bài viết

Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa

Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome

Gãy chân là một trong nhiều tình huống y tế khẩn cấp mà bạn có thể gặp phải trong cuộc sống. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu gãy chân là điều vô cùng quan trọng để có biện pháp sơ cứu và ứng phó kịp thời. Vậy, gãy chân thực chất là gì? Đâu là những tác nhân “âm thầm” làm tăng nguy cơ gãy chân? Bạn cần làm gì để giảm thiểu nguy cơ gãy chân trong cuộc sống? Tất cả sẽ được Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Gãy chân: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị & phòng ngừa

Gãy chân là gì? Mất bao lâu để hồi phục hoàn toàn?

Gãy chân là gì?

Gãy chân là tình trạng mà một hoặc nhiều xương ở chân bị gián đoạn một phần hoặc đứt gãy toàn bộ, khiến xương mất đi tính toàn vẹn. Gãy chân có thể khởi phát ở nhiều mức độ khác nhau, từ những vết nứt nhỏ trên bề mặt đến những vết cắt sâu khiến xương đứt rời hoặc vỡ vụn thành từng mảnh riêng biệt.

Theo thứ tự từ trên xuống dưới, xương chân (không tính bàn chân) thường bao gồm 4 đoạn xương chính:

1. Xương đùi (femur)

  • Vị trí: Nằm ở phần trên của chân;
  • Hình dạng: Dài và hơi cong;
  • Đặc điểm: Là đoạn xương dài nhất, lớn nhất và mạnh nhất trong cơ thể. Xương đùi có hai đầu, một đầu nối với xương hông tạo thành khớp hông và đầu còn lại nối với xương bắp chân tạo thành khớp gối;
  • Chức năng: Chịu trọng lượng của cơ thể, là nơi bám dính của nhiều nhóm cơ giúp chân di chuyển.

2. Xương bánh chè (patella)

  • Vị trí: Nằm phía trước khớp gối;
  • Hình dạng: Phẳng và dẹp;
  • Đặc điểm: Là một mẩu xương nhỏ, thuộc nhóm xương vừng (sesamoid bone), nghĩa là nhóm xương nằm trong cơ gân gần bề mặt khớp, hoạt động như một ròng rọc để giảm bớt căng thẳng cho mô mềm gần đó. Trong trường hợp này, xương bánh chè nằm trong một dây chằng (dây chằng chéo ngoài);
  • Chức năng: Bảo vệ khớp gối, gia tăng cơ sở bám dính của cơ bắp chân trước (quadriceps); đồng thời, giúp giảm ma sát giữa các xương và cơ.

3. Xương chày (tibia)

  • Vị trí: Nằm ở phía trước phần cẳng dưới của chân;
  • Hình dạng: Dài và mảnh dẻ hơn so với xương đùi;
  • Đặc điểm: Có hai đầu, một đầu nối với xương đùi tạo thành khớp gối và đầu còn lại nối với xương sên ở bàn chân tạo thành khớp mắt cá;
  • Chức năng: Chịu trọng lượng của cơ thể, bảo vệ các cơ quan bên trong và là nơi bám dính của nhiều cơ bắp chân.

4. Xương mác (fibula)

  • Vị trí: Nằm phía sau xương chày và lệch về phía ngoài cùng bên phải ở cẳng chân;
  • Hình dạng: Dài và mảnh;
  • Đặc điểm: Có đầu trên nối với xương bắp chân và đầu dưới nối với xương cẳng chân;
  • Chức năng: Không chịu trọng lượng nhiều, nhưng giúp ổn định mắt cá chân và là nơi bám dính của nhiều nhóm cơ bắp chân.

Gãy chân là gì?

Minh họa cấu trúc giải phẫu của 4 loại xương chính của chân

Phân loại gãy chân

Có nhiều cách để phân loại gãy xương chân. Dưới đây là một số kiểu gãy xương phổ biến, có thể áp dụng cho bất kỳ xương nào trong cơ thể, bao gồm cả xương chân:

  • Kiểu gãy kín (closed fracture): Xương bị gãy nhưng vùng da xung quanh vẫn nguyên vẹn;
  • Kiểu gãy hở (open fracture): Xương bị gãy và đâm ra ngoài da, tạo thành vết thương hở;
  • Kiểu gãy di lệch (displaced fracture): Các đoạn xương bị tách ra và không còn nằm ở vị trí bình thường;
  • Kiểu gãy không di lệch (non-displaced fracture): Các đoạn xương bị gãy nhưng vẫn nằm ở vị trí ban đầu;
  • Gãy hoàn toàn (complete fracture): Xương bị gãy hoàn toàn thành hai hoặc nhiều mảnh rời rạc, trong đó bao gồm:
    • Gãy mảnh vụn (comminuted fracture): Xương bị gãy thành nhiều mảnh vụn;
    • Gãy xương ngang (transverse fracture): Tạo thành vết đứt gãy vuông góc với chiều dài của xương, thường xảy ra do một lực tác động thẳng góc với chiều dài của xương, chẳng hạn như một cú đánh trực tiếp;
    • Gãy xương xiên (oblique fracture): Xương bị gãy theo một đường chéo (không nằm ngang cũng không nằm dọc);
    • Gãy xương xoắn (spiral fracture): Tạo thành vết nứt có hình dạng xoắn quanh chu vi vòng ngoài của bề mặt xương, thường xảy ra khi một lực xoắn được áp dụng lên xương, chẳng hạn khi chân bị kẹp lại và cơ thể xoay bất ngờ.
  • Gãy không hoàn toàn (incomplete fracture): Xương bị gãy nhưng chưa tách ra hoàn toàn, trong đó bao gồm:
    • Nứt xương (hairline fracture): Vết gãy cực nhỏ hoặc nứt theo mảng, thường khó nhận diện trên phương pháp chụp X-quang;
    • Gãy xương nén (impacted fracture): Các đoạn xương bị gãy và chèn vào nhau dưới tác động của một lực nén (chẳng hạn như trọng lực);
    • Gãy xương cành tươi (greenstick fracture): Vết đứt gãy không di chuyển hết bề dày của xương mà chỉ di chuyển một phần, thường xảy ra ở trẻ em vì xương của bé còn mềm và linh hoạt;
    • Gãy kiểu bánh bơ (buckle fracture): Hai đầu xương bị nén, cong ra ngoài và làm cho phần giữa bị biến dạng, thường xảy ra ở trẻ em.

Lưu ý, trên đây chỉ là một số kiểu gãy xương điển hình và có thể còn nhiều loại gãy xương khác. Mỗi tình huống gãy xương chân cụ thể thường gây ra những vết đứt gãy không giống nhau, phụ thuộc vào yếu tố như vị trí, nguyên nhân gãy xương và mức độ tổn thương của người bệnh.

Phân loại gãy chân

Minh họa hình dạng vết đứt gãy của một số loại gãy xương phổ biến

Nguyên nhân gãy chân là gì?

Nguyên nhân gây gãy chân thường là do chân phải hứng chịu sự tác động của những ngoại lực lớn, có tính chất bất ngờ, bao gồm:

  • Tai nạn và chấn thương: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây gãy chân. Điều này có thể bao gồm:
    • Té ngã: Rơi từ độ cao, trượt té hoặc vấp ngã trong sinh hoạt hàng ngày, tham gia giao thông hoặc chơi thể thao.
    • Va chạm: Đụng độ mạnh với những vật cứng như bị xe tông, tai nạn thể thao;
    • Tác động xoắn người: Chân bị kẹp cố định trong khi cơ thể xoắn mạnh có thể gây gãy xương, thường xảy ra trong môn trượt tuyết, bóng rổ hoặc bóng đá;
  • Gãy xương do quá tải: Gãy xương do mỏi (quá tải) thường xảy ra do các tác động lặp đi lặp lại lên xương, thường xảy ra ở nhóm đối tượng vận động viên hoặc người lính khi trải qua các khóa huấn luyện cường độ cao, làm xương quá tải dần theo thời gian, trở nên dễ gãy.

Các yếu tố nguy cơ gây gãy chân

Yếu tố nguy cơ gây gãy chân là những tác nhân không trực tiếp làm gãy xương chân, nhưng có thể khiến bạn bị gia tăng nguy cơ bị gãy xương trong những tình huống cụ thể, đặc biệt là trong những lúc bạn cần dùng chân để chống, đỡ với các va chạm bất ngờ. Cụ thể, các yếu tố nguy gây gãy chân bao gồm:

  • Dinh dưỡng thiếu cân đối: Tiêu thụ một chế độ ăn thiếu canxi, phốt pho, magiê, kẽm, protein, vitamin D, vitamin K,… đều có thể làm suy giảm mật độ khoáng chất trong xương, khiến xương dễ gãy;
  • Lạm dụng thuốc: Sử dụng quá mức một số loại thuốc có thể gây suy giảm mật độ xương, bao gồm: thuốc kháng viêm corticosteroids, thuốc chống động kinh, chống ung thư, thuốc lợi tiểu, thuốc trị đau dạ dày,…
  • Bệnh loãng xương: Là bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi (do lão hóa) và trẻ nhỏ (do tiêu thụ chế độ dinh dưỡng thiếu cân đối), khiến xương yếu mềm, dễ gãy khi va chạm;
  • Sử dụng các chất kích thích: Lạm dụng chất kích thích như thuốc lá và rượu bia có thể làm suy giảm mật độ khoáng chất trong xương, khiến xương dễ gãy.
  • Bệnh lý khác: Một số bệnh lý có thể làm yếu xương, bao gồm bệnh tuyến giáp, ung thư xương, tăng canxi máu, loạn sản tủy và rối loạn chuyển hóa.

Các yếu tố nguy cơ gây gãy chân

Ít tiêu thụ các món ăn giàu canxi là yếu tố làm tăng nguy cơ gãy chân

Dấu hiệu gãy chân

Khi bị gãy chân, bạn có thể cảm nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

  • Đau: Đau buốt dữ dội thường là triệu chứng đầu tiên và có thể cảm thấy rõ ràng tại vị trí gãy;
  • Sưng, viêm, tê: Khu vực xung quanh vết gãy có thể sưng tấy, ửng đỏ hoặc bầm tím vì những ổ viêm; đồng thời, khu vực bị tổn thương có thể xuất hiện dị cảm, tê yếu do dây thần kinh bị tổn thương;
  • Biến dạng chân: Chân có thể bị biến dạng hoặc uốn cong ở vị trí bị gãy. Bạn hoàn toàn có thể nhìn thấy những biến dạng này bằng mắt thường;
  • Khó khăn hoặc không thể di chuyển: Xương bị tổn thương có thể hạn chế chuyển động hoặc khiến bạn không thể di chuyển vì kết cấu chịu lực của cơ thể đã bị đứt gãy;
  • Âm thanh lạ: Vào thời điểm xương gãy, bạn có thể nghe những âm thanh lớn như tiếng “bụp” hoặc tiếng “bóp” phát ra, tương tự như âm thanh khi bạn bẻ gãy một nhành cây khô hoặc que củi giòn;
  • Vết thương hở: Trong những trường hợp nghiêm trọng, xương có thể đâm ra khỏi da, gây mất nhiều máu. Lúc này, bạn hoàn toàn có thể quan sát được một phần bề mặt của xương.

Lưu ý, trên đây chỉ là một vài triệu chứng phổ biến của tình trạng gãy chân, chứ không phải là tất cả. Do đó, nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người khác có chân bị gãy, quan trọng là phải tìm đến sự trợ giúp từ các chuyên gia y tế để được can thiệp kịp thời và ngăn ngừa biến chứng.

Dấu hiệu gãy chân

Gãy xương có thể khiến bạn đau buốt dữ dội và không thể tự vận động

Hướng dẫn sơ cứu gãy chân

Sơ cứu đúng cách cho người bị gãy chân là nhiệm vụ rất quan trọng bởi sơ cứu sai cách có thể khiến nạn nhân gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số nguyên tắc quan trọng khi sơ cứu người bị gãy chân mà bạn cần biết:

  • Gọi cứu hộ: Gọi số điện thoại khẩn cấp (115) và yêu cầu sự trợ giúp từ các chuyên viên y tế gần nhất;
  • Hạn chế di chuyển người bị thương: Đảm bảo người bị thương nằm yên, được nằm hoặc ngồi trên một vị trí cố định và không di chuyển phần chân bị thương. Điều này giúp giữ phần xương bị gãy không xô lệch, làm tổn thương (rách) mô mềm xung quanh như da, dây thần kinh, dây chằng, cơ bắp,…
  • Ngăn ngừa mất máu: Nếu có chảy máu, bạn hãy đặt bông gòn vô trùng hoặc băng gạc lên vết thương để cầm máu;
  • Cố định xương: Đặt nẹp ở phần chân bị gãy để giữ cho nó cố định trong lúc chờ cứu hộ. Bạn có thể sử dụng các vật liệu sẵn có để tạo nẹp cố định xương, chẳng hạn như thước gỗ, quần áo cuộn lại hoặc tạp chí cuốn lại;
  • Chườm lạnh giảm đau: Nếu gãy xương không tạo vết thương hở, bạn có thể chườm một gói đá lạnh trực tiếp lên khu vực bị thương để giảm đau. Lưu ý, bạn nên đặt một lớp vải giữa da và túi đá để tránh gây bỏng lạnh cho da;
  • Nâng chân bị thương: Bạn nên đặt người bệnh nằm ngửa và nâng một chân bị gãy lên cao (gác lên một chân lên ghế đẩu hoặc treo chân lên cao) giúp giảm sưng, đau và mất máu quá mức;
  • Uống thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen hoặc kết hợp cả hai, có thể làm giảm đau, sưng viêm, khiến người bệnh giảm bớt căng thẳng trong quá trình chờ nhập viện;
  • Không cung cấp thức ăn: Nếu nhận thấy người bị gãy xương nghiêm trọng, cần phẫu thuật gấp thì bạn không nên đưa nạn nhân bất kỳ thức ăn hoặc đồ uống nào (kể cả nước). Bởi lẽ, thuốc mê sử dụng trong quá trình phẫu thuật có thể gây nôn mửa nếu dạ dày chứa đầy thức ăn hoặc nước, ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật chỉnh hình xương.

Lưu ý, những hướng dẫn sơ cứu gãy chân trên đây chỉ được áp dụng trong trường hợp nạn nhân đang chờ xe cứu thương đến đón nên không thể thay thế được các phương pháp điều trị truyền thống của bác sĩ. Mục tiêu của sơ cứu là giữ cho người bị thương an toàn và thoải mái nhất có thể cho đến khi được các chuyên gia y tế chuyên nghiệp đánh giá và điều trị.

Hướng dẫn sơ cứu gãy chân

Người bị gãy chân đang được các nhân viên y tế chuyên nghiệp nẹp cố định chân

Phương pháp chẩn đoán gãy chân

Để chẩn đoán gãy chân, bác sĩ thường tiến hành một loạt các thủ tục thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, bao gồm:

  • Chẩn đoán lâm sàng: Bác sĩ sẽ tìm kiếm và ghi nhận mức độ, vị trí, đặc điểm của các cơn đau, sưng, tê hoặc biến dạng ở chân; từ đó đưa ra đánh giá tương đối về mức độ và phạm vi thương tổn ở chân;
  • Chụp X-quang: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến và hiệu quả để xác định vị trí, mức độ và phân loại gãy xương. Kết quả chụp X-quang sẽ cho thấy hình ảnh chi tiết của các khớp, xương và giúp bác sĩ hình dung trực quan xương gãy như thế nào. Tuy nhiên, chụp X-quang không thể cung cấp cho bác sĩ hình ảnh của mô mềm liên quan;
  • CT Scan (chụp cắt lớp vi tính): Chụp CT scan cung cấp hình ảnh chi tiết hơn so với X-quang và có thể giúp bác sĩ xác định rõ ràng hơn về mức độ và tính chất của vết gãy, đặc biệt đối với các trường hợp gãy xương phức tạp, có nhiều mảnh vụn nhỏ;
  • MRI (chụp cộng hưởng từ): Chụp MRI có thể cung cấp hình ảnh chi tiết của mô mềm và xương, giúp bác sĩ xác định được các tổn thương của mô mềm, chẳng hạn như dây chằng, gân hoặc thần kinh;
  • Siêu âm: Thường được áp dụng để chẩn đoán gãy xương cho trẻ em từ 12 tuổi trở xuống. Theo nghiên cứu, siêu âm là một công cụ chẩn đoán có độ nhạy 82% và độ đặc hiệu 93% đối với tình trạng gãy xương chân. Với người trưởng thành, siêu âm không giúp chẩn đoán gãy xương nhưng có thể được sử dụng để theo dõi, loại trừ sự biến dạng ngày càng tăng của phần xương bị gãy trong suốt quá trình điều trị.

Phương pháp chẩn đoán gãy chân

Ảnh chụp X-quang giúp bác sĩ xác định được mức độ và phân loại gãy chân

Các biến chứng của gãy chân

Gãy chân, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, khoa học, có thể gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng như:

  • Nhiễm khuẩn: Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các trường hợp gãy hở, nơi xương đâm ra khỏi da. Nhiễm trùng có thể xuất hiện tại chỗ vết thương hoặc thậm chí bên trong xương;
  • Tổn thương dây thần kinh: Các dây thần kinh lân cận có thể bị tổn thương từ vết gãy, dẫn đến cảm giác yếu, tê hoặc mất cảm giác tạm thời;
  • Tổn thương mạch máu: Các mạch máu lân cận cũng có thể bị tổn thương từ vết gãy, gây xuất huyết nội mô hoặc làm giảm lưu lượng máu chảy đến khu vực bị ảnh hưởng;
  • Hội chứng chèn ép khoang: Xảy ra khi áp lực chất lỏng gây nên do tình trạng phù nề vượt quá áp lực thẩm thấu của mao mạch (8mmHg), khiến tế bào trao đổi chất chậm đi, thậm chí bị ngừng, gây hoại tử mô cơ;
  • Sai lệch hình dạng hoặc mất chức năng chân: Nếu xương không được đặt lại hoặc cố định đúng cách, có thể dẫn đến sai lệch hình dạng, ảnh hưởng đến chức năng của chân, chẳng hạn như làm thay đổi kiểu dáng đi đứng, bước đi khập khiễng, loạng choạng, mất cân bằng;
  • Xương chậm lành hoặc không thể lành: Chữa trị muộn, sai cách có thể ảnh hưởng đến mức độ hàn gắn của xương, chẳng hạn như hàn gắn chậm, hàn gắn không đúng cách hoặc thậm chí gây chai xương và không thể hàn gắn;
  • Gặp vấn đề với điểm hàn gắn xương: Nếu bạn cần phẫu thuật để cố định xương, các biến chứng liên quan đến vị trí gắn xương có thể xuất hiện, chẳng hạn như nhiễm khuẩn, tổn thương thần kinh hoặc mạch máu,…
  • Viêm tủy xương: Thường xảy ra sau khi xương bị gãy hoàn toàn, gây hở tủy và nhiễm trùng;
  • Phình mạch máu: Rất hiếm, nhưng có thể có nguy cơ phình mạch máu do xương chèn ép, gây tổn thương mạch máu gần đó.

Lưu ý, trên đây chỉ là một số biến chứng phổ biến có thể xảy ra sau khi gãy chân. Để giảm thiểu tối đa biến chứng, bạn cần được điều trị chuyên nghiệp dưới sự giám sát chặt chẽ của chuyên gia cơ xương khớp.

Điều trị gãy chân

Điều trị gãy chân là quá trình giữ xương ở vị trí cố định để tạo điều kiện cho xương tự hàn gắn với nhau. Tuy xương có chức năng tự chữa lành, nhưng việc can thiệp muộn hoặc điều trị sai cách có thể khiến xương chậm hoặc không thể phục hồi.

Một số phương pháp điều trị gãy xương phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Bó bột: Là cách điều trị gãy xương ở mức độ vừa và nhẹ, không gây biến dạng nặng hoặc có vết thương hở. Bó bột giúp cố định xương, tạo điều kiện để xương tự hàn gắn với nhau;
  • Nẹp (nạn) cứng: Đây là một phương pháp điều trị gãy xương tương tự bó bột, nhưng thường được sử dụng để giữ xương cố định một cách tạm thời. Phương pháp này thường được áp dụng khi người bệnh đang trong thời gian chờ phẫu thuật hoặc cũng có thể được áp dụng cho các vết gãy nhỏ, không yêu cầu bó bột;
  • Phẫu thuật chỉnh hình: Đối với một số trường hợp gãy xương hở, gây biến dạng lớn, bác sĩ có thể cần phải tiến hành phẫu thuật để lắp ghép, kéo xương vào vị trí cũ trước khi áp dụng bó bột. Quá trình này có thể bao gồm việc khoan hệ thống khung (niềng) sắt, ống kim loại, ốc vít vào xương để giữ chúng cố định trong suốt quá trình chữa lành.

Lưu ý, trong mọi tình huống, tùy thuộc vào vị trí, mức độ của gãy xương; độ tuổi và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị gãy chân phù hợp.

Điều trị gãy chân

Minh họa phương pháp bó bột và bắt nẹp cố định ở người bị gãy xương chày

Gãy chân bao lâu thì lành?

Gãy chân, tùy vào vị trí, mức độ tổn thương, sức khỏe và độ tuổi của người bệnh mà có thể cần từ vài tuần đến vài tháng để chữa lành. Cụ thể:

Phần xương chân Thời gian chữa lành
Xương đùi 16 – 24 tuần (4 – 6 tháng)
Xương bánh chè (đầu gối) 12 – 24 tuần (3 – 6 tháng)
Xương chày 20 tuần (5 tháng) trở lên
Xương mác 12 – 24 tuần (3 – 6 tháng)

Lưu ý, mặc dù xương có thể đã lành, nhưng bạn vẫn cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn chức năng của chân. Điều này có thể đòi hỏi bạn phải tăng cường vận động hoặc kết hợp thực hành các bài tập vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ.

Hướng dẫn chăm sóc và hồi phục sau gãy chân

Khi gặp phải tình trạng gãy xương, việc phục hồi chức năng là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự kiên nhẫn từ người bệnh. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn chăm sóc và hồi phục nhanh chóng sau khi gãy chân:

1. Giai đoạn bất động

Trong giai đoạn này, mục tiêu chính là phòng ngừa các biến chứng như viêm phổi, phù nề chân, tắc nghẽn mạch máu (huyết khối) và lở loét do đè ép. Để thực hiện được mục tiêu này, người bị gãy chân cần:

  • Nâng / treo chân cao chân;
  • Tập gồng cơ để ngăn ngừa dị hóa cơ bắp;
  • Cố gắng vận động hết biên độ khớp để tránh cứng khớp.

2. Giai đoạn sau bất động

Sau khi nằm bất động lâu ngày, bạn cần bắt đầu bằng các bài tập vận động nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương xương, giảm sưng và phù nề. Lúc này, bạn có thể sử dụng nạng hoặc gậy để giúp chân chống đỡ trọng lượng cơ thể.

Lưu ý:

  • Nguyên tắc tập luyện: Luôn bắt đầu từ những bài tập nhẹ nhàng và dần dần tăng cường độ khó. Đảm bảo không có bất kỳ động tác nào gây đau khi tập luyện;
  • Kết hợp nhiều liệu pháp hỗ trợ điều trị: Bạn cũng có thể áp dụng các phương pháp trị liệu khác để kích thích tuần hoàn máu, hỗ trợ xương mau lành, chẳng hạn như chiếu đèn hồng ngoại, xoa bóp vùng chấn thương, châm cứu hoặc sử dụng y học cổ truyền theo chỉ định từ bác sĩ.

Cuối cùng, trong quá trình phục hồi, điều quan trọng nhất là bạn cần kiên nhẫn, kỷ luật để tuân thủ đúng mọi hướng dẫn mà bác sĩ chỉ định. Với sự chăm sóc đúng cách và tập luyện đều đặn, bạn sẽ nhanh chóng chữa lành gãy chân và trở lại với cuộc sống bình thường.

Hướng dẫn chăm sóc và hồi phục sau gãy chân

Người bệnh sau khi hồi phục cần sử dụng nạng để hỗ trợ chân chống đỡ trọng lượng của cơ thể

Chế độ dinh dưỡng cho người bị gãy chân

Xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối cho người bị gãy chân là điều rất quan trọng để hỗ trợ quá trình hồi phục. Dưới đây là một số nguyên tắc quan trọng mà bạn không nên bỏ lỡ khi xây dựng chế độ ăn uống cho người bị gãy chân:

  • Uống đủ nước: Uống đủ 1.5 – 2.0 lít nước / ngày giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, giữ cho các tế bào và mô cơ thể hoạt động tốt, đặc biệt là tế bào tạo xương;
  • Tăng cường protein: Protein giúp tái tạo mô và xương nên người bị gãy chân cần nhiều protein hơn bình thường. Nguồn protein tốt bao gồm thịt nạc, cá, trứng, sữa và các loại đậu;
  • Canxi và vitamin D: Canxi và vitamin D giúp tăng cường mật độ khoáng chất trong xương, hỗ trợ xương mau lành. Nguồn canxi tốt cho xương bao gồm sữa, phô mai, thủy hải sản, các loại hạt,…. Để cơ thể hấp thụ canxi, bạn cũng cần vitamin D, loại vitamin này thường chứa nhiều trong cá béo (cá hồi, cá trích, cá thu,…), nấm, sữa và trứng;
  • Kẽm và magiê: Magiê và kẽm giúp cơ thể tăng cường sự hình thành nguyên bào xương (osteoblast), kích thích xương nhanh lành. Hai loại khoáng chất này thường có nhiều trong thủy hải sản, sữa, rau lá xanh, các loại đậu và hạt;
  • Vitamin C: Vitamin C giúp sản xuất collagen, một loại protein cần thiết cho sự hồi phục của xương. Trái cây (bưởi, cam, chanh, kiwi,…) và rau củ quả là những nguồn thực phẩm giàu vitamin C tốt cho người bị gãy chân;
  • Hạn chế chất kích thích: Bạn cần tránh tối đa các thực phẩm chứa caffeine (trà, cà phê, nước tăng lực,…) và cồn vì chúng có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, khiến xương chậm hồi phục.

Cách phòng tránh gãy chân

Để phòng tránh gãy chân, bạn cần kết hợp tăng cường sức khỏe xương với việc giảm thiểu nguy cơ xảy ra chấn thương, cụ thể như sau:

  • Dinh dưỡng: Ăn một chế độ cân bằng, khoa học với đầy đủ canxi, vitamin D, protein và các vi chất khác để giữ cho xương cứng cáp;
  • Kiểm soát cân nặng: Duy trì một cân nặng vừa phải cũng giúp xương khỏe mạnh. Bởi lẽ, theo Hiệp hội Sức khỏe Xương (Hoa Kỳ), tế bào mỡ và tế bào tạo xương đều đến cùng được biệt hóa từ cùng một tế bào gốc (stem cells); do đó, càng nhiều tế bào mỡ thì càng có ít tế bào tạo xương;
  • Vận động vừa sức: Ưu tiên lựa chọn các bài tập vận động ít có tính chất đối kháng hoặc mạo hiểm để bảo vệ an toàn xương, bao gồm đi bộ, chạy bộ, yoga, bơi lội,…
  • Sử dụng đồ bảo hộ: Khi chơi các môn thể thao mạo hiểm, bạn cần trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ để bảo vệ xương và khớp, đặc biệt là vùng xương bánh chè và xương chày;
  • Hạn chế chất kích thích: Các chất kích thích như cồn và thuốc lá có thể làm suy yếu cấu trúc xương, nên bạn cần hạn chế hoặc tránh sử dụng chúng.

Cách phòng tránh gãy chân

Tiêu thụ sữa, pho mát, trứng, nấm, các loại đậu,… giúp xương chắc khỏe vì chúng chứa nhiều vitamin D và canxi

Nghi bị gãy chân: Khi nào cần gọi cấp cứu?

Nếu nghi ngờ bị gãy chân, bạn cần gọi cấp cứu ngay khi cơ thể cảm nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

  • Đau dữ dội, đặc biệt nghiêm trọng hơn khi bạn cố gắng di chuyển chân;
  • Biên độ cử động bị hạn chế hoặc không thể di chuyển chân;
  • Hình dạng chân bất thường, bị cong hoặc méo mó;
  • Sưng phù, có thể xuất hiện vết thâm tím hoặc ửng đỏ trên khu vực tổn thương;
  • Cảm thấy tê liệt hoặc mất cảm giác ở chân hoặc bàn chân;
  • Vừa đau chân vừa cảm giác chóng mặt, thở gấp do huyết áp giảm đột ngột.

Trên hành trình chữa lành tình trạng gãy chân, việc tìm kiếm một cơ sở y tế uy tín là điều vô cùng quan trọng. Đến với Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình trực thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn sẽ được đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Cơ Xương Khớp giàu kinh nghiệm cấp cứu kịp thời, giúp bảo toàn tối đa cấu trúc xương và ngăn ngừa biến chứng sau khi gãy.

Nếu bạn hoặc người thân của bạn đang gặp phải tình trạng gãy xương chân, đừng ngần ngại đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để nhận sự tư vấn và hỗ trợ tốt nhất. Để đặt lịch thăm khám và điều trị gãy chân tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn hãy liên hệ số hotline 093 180 6858028 7102 6789 (TP.HCM) hay 024 7106 6858024 3872 3872 (Hà Nội).

Tóm lại, gãy chân không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Can thiệp chẩn đoán và điều trị kịp thời chính là “chìa khóa vàng” giúp xương nhanh chóng hồi phục. Do đó, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu gãy chân, bạn hãy tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia y tế để được cấp cứu kịp thời. Chúc bạn nhanh chóng hồi phục!

Cập nhật lần cuối: 09:02 23/12/2023

Nguồn tham khảo

  1. Champagne, N., Eadie, L., Regan, L., & Wilson, P. (2019). The effectiveness of ultrasound in the detection of fractures in adults with suspected upper or lower limb injury: a systematic review and subgroup meta-analysis. BMC Emergency Medicine19(1). https://doi.org/10.1186/s12873-019-0226-5
  2. Richens, M. (2022, July 28). Understanding How Obesity Affects Bone Health and Risk of Fractures. Bone Health & Osteoporosis Foundation. https://americanbonehealth.org/bone-health/understanding-how-obesity-affects-bone-health-and-risk-of-fractures/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Khám phá thêm từ Nutrihome

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc

Admin

Link nội dung: https://ngayqua.com/index.php/gay-chan-dau-hieu-nguyen-nhan-cach-dieu-tri-phong-ngua-1730126406-a6704.html