Bệnh đau đầu ở phụ nữ: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị

Bệnh đau đầu ở phụ nữ có thể xuất hiện với nhiều triệu chứng khác nhau, cần nhận biết nguyên nhân cũng như có phương pháp điều trị phù hợp, để đảm bảo sức khỏe.

Bệnh đau đầu ở phụ nữ có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Do đóm việc nắm vững kiến thức về tình trạng đau đầu ở phụ nữ có thể giúp bạn phòng ngừa và cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả.

bệnh đau đầu ở phụ nữ

Đau đầu đã trở thành một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất ở phụ nữ. Nguyên nhân gây bệnh đau đầu ở phụ nữ là gì? Vì sao phụ nữ bị đau đầu nhiều hơn nam giới? Làm sao để khắc phục tình trạng này? Bài viết sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc về bệnh đau đầu ở phụ nữ.

Nguyên nhân bệnh đau đầu ở phụ nữ

Tỷ lệ phụ nữ bị đau đầu có thể cao gấp 3 lần so với nam giới. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến bệnh đau đầu ở phụ nữ? Theo đó, một số yếu tố khiến phụ nữ dễ bị đau đầu hơn có thể kể đến như:

1. Hormone

Hormone, đặc biệt là estrogen, đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các chức năng sinh lý và tâm lý của phụ nữ. Sự thay đổi nồng độ estrogen nhanh và đột ngột, đặc biệt trong các giai đoạn như chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sau sinh và tiền mãn kinh,… có thể dẫn đến các cơn đau đầu. (1)

banner tâm anh quận 7 content

Trong đó, phụ nữ dễ gặp tình trạng đau nửa đầu migraine – một trong những tình trạng đau đầu phổ biến nhất.

2. Yếu tố di truyền

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những phụ nữ có người thân trong gia đình mắc bệnh đau đầu, đặc biệt là đau nửa đầu, có nguy cơ cao hơn bị ảnh hưởng bởi triệu chứng này.

Mặc dù nguyên nhân cụ thể của yếu tố di truyền vẫn chưa được hiểu rõ nhưng việc biết đến lịch sử bệnh của người thân trong gia đình có thể giúp bạn chủ động phòng ngừa, sớm phát hiện sớm bệnh hay các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

3. Do tâm lý

Stress, căng thẳng, lo âu và trầm cảm,… đều có thể liên quan đến bệnh đau đầu ở phụ nữ. Đối với một số người, căng thẳng và lo âu có thể gây ra những cơn đau đầu kéo dài.

Các yếu tố như áp lực công việc, mối quan hệ gia đình, việc học hành của con cái, tài chính,… và nhiều vấn đề khác trong cuộc sống có thể tác động đến tâm trạng và gây ra cảm giác đau đầu. (2)

4. Do bệnh lý

Nhiều bệnh lý cụ thể có thể dẫn đến việc đau đầu ở phụ nữ. Ví dụ, viêm xoang, nhiễm trùng màng não hoặc tăng huyết áp đều có thể dẫn đến đau đầu. Bên cạnh đó, một số bệnh lý nội tiết như bệnh suy giáp cũng có thể gây ra đau đầu.

Đối với những phụ nữ mắc bệnh lý này, việc điều trị nguyên nhân gốc rễ sẽ giúp giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn triệu chứng đau đầu.

5. Môi trường

Yếu tố môi trường có thể gây ra hoặc tăng cường triệu chứng đau đầu. Việc tiếp xúc với ánh sáng mạnh, tiếng ồn lớn, khí hậu nóng bức hoặc quá lạnh đều có thể dẫn đến đau đầu. Ngoài ra, các tác nhân kích thích như khói thuốc, mùi nước hoa mạnh hoặc thậm chí thay đổi độ cao (khi đi du lịch đến nơi có độ cao lớn) cũng có thể gây ra đau đầu.

6. Nguyên nhân khác

Bên cạnh những nguyên nhân đã nêu trên, có một số yếu tố khác cũng có thể gây ra đau đầu. Trong đó, việc tiêu thụ nhiều caffeine và sau đó giảm đột ngột lượng caffeine là một trong những nguyên nhân dẫn đến đau đầu.

Bên cạnh đó, tình trạng không tập thể dục, thiếu ngủ hoặc thậm chí ngủ quá nhiều cũng có thể dẫn đến đau đầu. Đối với phụ nữ, việc thay đổi liều lượng hoặc loại thuốc tránh thai cũng có thể là một nguyên nhân gây ra đau đầu. (3)

nguyên nhân đau đầu ở phụ nữ
Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến đau đầu

Triệu chứng bệnh đau đầu ở phụ nữ

Bệnh đau đầu ở phụ nữ có thể xuất hiện với nhiều triệu chứng khác nhau, và có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề khác nhau. Một số triệu chứng bệnh tiêu biểu bao gồm:

  • Đau một bên đầu, cảm giác đau râm ran hoặc mạnh mẽ tùy thời điểm. Cơn đau có thể ở nửa trái hoặc nửa phải, trên vị trí đỉnh đầu hoặc ở sau gáy.
  • Đau khắp cả đầu, cảm giác như có dải băng siết chặt vùng đầu.
  • Buồn nôn và nôn mệt.
  • Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.
  • Cơn đau đầu nghiêm trọng hơn vào buổi sáng.
  • Đau đầu đi kèm với triệu chứng khác như khó thở, đau ngực, chảy nước mắt, nghẹt mũi, rối loạn thị giác, mất thăng bằng…
  • Đau đầu kéo dài nhiều ngày.

Bệnh đau đầu ở phụ nữ có nguy hiểm không?

Đau đầu có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng khác nhau, từ những nguyên nhân không nguy hiểm như căng thẳng đến những vấn đề nghiêm trọng như u não, nhiễm trùng màng não,…. Dựa trên mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra, đau đầu có thể gây ra các hậu quả khác nhau.

Nhìn chung, những cơn đau đầu ở phụ nữ có thể là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí tử vong. Do đó, không nên chủ quan với những cơn đau đầu ở phụ nữ.

triệu chứng đau đầu ở phụ nữ
Cơn đau đầu ở phụ nữ có thể diễn ra ở một vị trí cụ thể trên vùng đầu

Cách chẩn đoán bệnh đau đầu ở phụ nữ

Để chẩn đoán bệnh đau đầu ở phụ nữ, bác sĩ có thể thực hiện nhiều bước thăm khám khác nhau. Dưới đây là một số bước chính trong quá trình chẩn đoán:

  • Lịch sử bệnh án: Đây là bước quan trọng nhất để chẩn đoán bệnh. Bác sĩ sẽ đặt hàng loạt câu hỏi về đặc điểm của cơn đau, bao gồm: vị trí đau đầu, cường độ, thời gian xuất hiện cơn đau, bất kỳ triệu chứng kèm theo nào khi bị đau đầu, tần suất và thời gian kéo dài của cơn đau đầu,… Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi thêm về các yếu tố có khả năng kích thích cơn đau (chẳng hạn như bạn đột ngột đau đầu khi gặp âm thanh quá lớn) và các yếu tố giúp giảm nhẹ cơn đau (bạn có thoải mái hơn ở môi trường yên tĩnh không, việc uống nhiều nước có giúp bạn giảm đau đầu không,…). Một số thông tin khác cũng sẽ được hỏi trong quá trình thăm khám như hiện tại bạn có đang mang thai không, có sử dụng bất kỳ loại thuốc nào hay không, gần đây bạn có căng thẳng hay thường xuyên phải thức khuya, ngủ không đủ giấc hay không,…
  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để đánh giá các dấu hiệu về tình trạng sức khỏe chung và tìm kiếm các nguyên nhân cụ thể của bệnh đau đầu, chẳng hạn như viêm xoang hoặc tăng huyết áp.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Trong trường hợp đau đầu bất thường hoặc nghi ngờ một nguyên nhân cụ thể nào đó như u não, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh chụp MRI (cộng hưởng từ) hoặc CT scan (chụp lát cắt vi tính) não để tìm ra nguyên nhân cụ thể.
  • Các xét nghiệm khác: Một số trường hợp đau đầu cần phải được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm khác như đo huyết áp, xét nghiệm nước bọt để kiểm tra hormone, hoặc chọc dịch tủy sống nếu nghi ngờ nhiễm trùng màng não.
  • Viết lại nhật ký đau đầu: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi chép chi tiết về các cơn đau đầu của mình, bao gồm thời gian xuất hiện, thức ăn hoặc hoạt động nào trước khi có triệu chứng đau đầu và mọi yếu tố khác có thể liên quan. Thời gian ghi lại nhật ký thường là 1-2 tuần, sau đó bạn cần thăm khám lại để bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác dựa trên ghi chép về cơn đau đầu của bạn.

Cách điều trị bệnh đau đầu ở phụ nữ

Điều trị đau đầu phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra và loại đau đầu. Dưới đây là một số phương pháp điều trị thông thường:

1. Sử dụng thuốc

Với tình trạng bệnh đau đầu ở phụ nữ, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen để giảm cơn đau đầu nhẹ và vừa. Ngoài ra, các trường hợp đau đầu do tâm lý cũng sẽ được kê đơn thuốc phù hợp, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm.

Cần lưu ý sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được tự ý ngừng thuốc hay thay đổi liều lượng để điều trị dứt điểm và tránh các tác dụng phụ có thể xảy ra.

2. Tập vật lý trị liệu

Những trường hợp đau đầu do căng thẳng, bạn có thể cải thiện bằng cách thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, đặc biệt là bài tập ở vùng vai và cổ.

3. Thay đổi lối sống

Việc thay đổi lối sống đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình điều trị bệnh đau đầu ở phụ nữ. Nên cố gắng nghỉ ngơi đều đặn, ngủ đúng giờ, không thức khuya và ngủ quá ít.

Ngoài ra, để cải thiện bệnh đau đầu ở phụ nữ, nên chú ý tập thể dục nhẹ nhàng 2-3 lần/tuần, mỗi lần tập duy trì từ 30-45 phút. Đặc biệt, nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn nhiều rau và trái cây, uống đủ nước, tránh ăn thực phẩm nhiều muối cũng như các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo.

Với người bị đau đầu, nên chú ý không dùng rượu, bia, cà phê cũng như các loại đồ uống có cồn, caffeine.

cải thiện bệnh đau đầu ở phụ nữ
Người thường xuyên bị đau đầu không nên uống rượu, bia và các chất kích thích

4. Liệu pháp nhận thức hành vi

Liệu pháp nhận thức hành vi có thể giúp cải thiện bệnh đau đầu ở phụ nữ. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện liệu pháp nhận thức hành vi cùng với các phương pháp khác để nhận được kết quả tốt nhất.

5. Kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ

Kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ là một kỹ thuật mới, không xâm lấn, không gây đau, rất an toàn và hiệu quả cho người thường xuyên bị đau đầu. Với kỹ thuật này,  máy kích thích từ trường xuyên sọ sẽ tạo ra các sóng điện tử đi xuyên qua xương sọ (công suất từ 3.000 đến 8.000 ampe) để kích thích tế bào thần kinh và làm thay đổi chức năng điện thần kinh ở vùng não tương ứng.

Không chỉ điều trị bệnh đau đầu ở phụ nữ, kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ cũng có thể hỗ trợ điều trị trầm cảm, mất ngủ kéo dài,…

Cách giảm nhức đầu cho phụ nữ tại nhà

Khi bị đau đầu, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau để cải thiện cơn đau nhanh chóng:

  • Nghỉ ngơi và thư giãn: Khi bị đau đầu, bạn nên nghỉ ngơi trong môi trường yên tĩnh và tối. Hãy thư giãn và tránh ánh sáng chói, tiếng ồn quá lớn. Nên chú ý nhiệt độ phòng không quá nóng cũng không quá lạnh.
  • Thiền và yoga: Thiền và yoga có thể giúp giảm stress và căng thẳng, làm giảm cảm giác đau đầu. Bạn có thể tự tập thiền hay yoga tại nhà.
  • Uống nhiều nước: Bạn nên uống nhiều nước để tránh tình trạng thiếu nước, một nguyên nhân phổ biến của đau đầu. Tránh rượu và đồ uống có caffeine, cồn.
  • Chườm: Bạn có thể chườm túi nước nóng hoặc chườm lạnh lên khu vực tránh hoặc sau gáy. Nên chườm luân phiên để đạt được hiệu quả tốt nhất.
  • Massage, bấm huyệt, châm cứu: Để giảm nhức đầu, bạn có thể massage nhẹ nhàng ở vùng đầu, cổ và vai để giảm căng cơ và cải thiện lưu lượng máu. Sử dụng dầu massage có chứa hương thảo dược như lavender hoặc bạc hà để gia tăng hiệu quả. Ngoài ra, các phương pháp bấm huyệt và châm cứu cũng có thể giúp cải thiện bệnh đau đầu ở phụ nữ.
  • Thở sâu và tập trung: Thở sâu và tập trung vào các hình ảnh yên bình có thể giúp bạn giảm căng thẳng, giảm stress, từ đó cải thiện tình trạng đau đầu do căng thẳng.
  • Dùng các loại trà thảo dược: Trà bạc hà, trà gừng và một số loại trà thảo dược khác có thể giúp bạn cải thiện cơn đau đầu hiệu quả.

Cách phòng ngừa bệnh đau đầu ở phụ nữ

Đau đầu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và có thể phòng ngừa thông qua một số biện pháp lối sống và thay đổi hành vi. Dưới đây là một số cách phòng ngừa bệnh đau đầu ở phụ nữ:

  • Duy trì chất lượng giấc ngủ: Ngủ đủ giấc và duy trì lịch trình ngủ ổn định, tránh thức khuya và ngủ không đủ giấc sẽ giúp bạn ngăn ngừa đau đầu.
  • Kiểm soát stress: Bạn nên tìm cách để có thể cải thiện tình trạng căng thẳng và stress của mình, chẳng hạn như thiền, yoga, thở sâu,… Ngoài ra, bạn cũng có thể dành thời gian cho sở thích cá nhân và hoạt động giảm stress như nghe nhạc, xem phim, đọc sách,…
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Ăn đều đặn và duy trì chế độ ăn uống cân đối và đa dạng các loại thực phẩm sẽ giúp bạn phòng tránh đau đầu hiệu quả. Đặc biệt, cần lưu ý hạn chế caffeine, chất béo và đường; tăng cường ăn rau, củ, quả và thực phẩm giàu omega-3.
  • Tập thể dục đều đặn: Để phòng tránh đau đầu, bạn cần tập thể dục đều đặn. Có thể đi bộ, chạy, bơi lội,…
  • Tránh chất kích thích: Hạn chế hoặc tránh các chất kích thích như nicotine và caffeine – những nguyên nhân gây đau đầu. Ngoài ra, nên giảm thiểu việc tiếp xúc với rượu và các chất cồn.
  • Hạn chế dùng thuốc: Tránh sử dụng thuốc giảm đau một cách thường xuyên hoặc không kiểm soát. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
  • Uống đủ nước: Uống đủ nước mỗi ngày có thể giúp tránh tình trạng thiếu nước, một nguyên nhân gây đau đầu ở phụ nữ phổ biến. Nên uống từ 1,8 – 2,2 lít nước mỗi ngày.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nên thăm khám, kiểm tra sức khỏe thường xuyên để sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ hoặc nguyên nhân gây đau đầu, từ đó có biện pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp.
phòng ngừa bệnh đau đầu ở phụ nữ
Ngủ đủ giấc giúp tránh được những cơn đau đầu

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bị đau đầu, bạn có thể áp dụng các biện pháp giảm nhức đầu tại nhà. Tuy nhiên, nếu cơn đau đầu kéo dài, đau đầu kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng như rối loạn thị giác, rối loạn ngôn ngữ, lú lẫn, yếu tay chân, nôn ói,… thì bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám càng sớm càng tốt.

Để đặt lịch khám, kiểm tra, tư vấn điều trị các bệnh lý thần kinh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Bệnh đau đầu ở phụ nữ đau đầu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng và tiêu cực đến chất lượng sống của người bệnh. Do đó, cần nhận biết nguyên nhân, dấu hiệu cũng như có các phương pháp điều trị phù hợp, để đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc lâu dài. Nếu thường xuyên bị đau đầu, bạn có thể đặt lịch thăm khám với các Chuyên gia giàu kinh nghiệm tại Trung tâm Khoa học Thần kinh – Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được tư vấn.

Admin

Link nội dung: https://ngayqua.com/index.php/benh-dau-dau-o-phu-nu-trieu-chung-nguyen-nhan-chan-doan-dieu-tri-1730075106-a6533.html