Sốt phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, triệu chứng khá giống với triệu chứng phát ban do bệnh sởi, tay chân miệng,... nên nhiều cha mẹ bị nhầm lẫn dẫn tới việc điều trị sai cách, không hiệu quả. Một số hình ảnh sốt phát ban ở trẻ em trong bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ nhận biết bệnh chuẩn xác, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.
Sốt phát ban là gì?
Sốt phát ban là tình trạng da nổi các chấm nhỏ màu đỏ, người nóng sốt. Là bệnh nhiễm trùng nhẹ do nhiều loại virus gây ra như virus gây bệnh sởi, rubella. Bệnh thường gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 6-36 tháng tuổi do khoảng thời gian này trẻ có sức đề kháng kém, dễ bị virus tấn công.
Sốt phát ban là bệnh nhiễm trùng nhẹ
Bệnh phổ biến đến mức hầu hết trẻ em đều mắc ít nhất 1 lần trong đời, thậm chí có những trẻ mắc trên 1 lần.
Nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất là do virus Herpes 6 gây ra, tuy nhiên cũng có trường hợp do virus Herpes 7 ở người gây nên.
Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh khi nói chuyện, ho, hắt hơi nên rất dễ lây nhiễm ở môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ, khu vui chơi,... Sau thời gian ủ bệnh (thường là 7 ngày), trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng:
- Sốt nhẹ hoặc cao trên 38.5 độ C
- Nổi ban đỏ trong khoảng 12-24 giờ sau sốt. Có thể là nhiều nốt hoặc các mảng nhỏ màu hồng đỏ, phẳng hoặc hơi sần và có viền trắng xung quanh. Thông thường, vị trí bắt đầu xuất hiện mảng phát ban là ở ngực, lưng và bụng rồi mới lan ra cổ, cánh tay, chân và mắt. Thời gian kéo dài trong khoảng 3-5 ngày rồi mờ dần và lặn hẳn, không để lại sẹo.
- Một số triệu chứng kèm theo khác như mệt mỏi, chảy nước mũi, mắt đỏ, bỏ ăn/bú, quấy khóc, tiêu chảy nhẹ, rối loạn tiêu hóa, đau họng, sưng hạch…
Trẻ sốt phát ban có biểu hiện thường là khác nhau, có những trẻ chỉ bị ban đào rất nhẹ, không có triệu chứng rõ rệt nhưng có những trẻ có đầy đủ các triệu chứng của bệnh.
Hầu hết trẻ em bị phát ban sau sốt sang ngày thứ 4 trở đi sẽ dần hết sốt và ăn uống lại bình thường. Thế nhưng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm tai giữa, viêm phổi nặng, suy dinh dưỡng nặng, viêm màng não, viêm loét giác mạc gây mù,... nhất là ở những trẻ có hệ miễn dịch yếu, bị suy dinh dưỡng, trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Bệnh thường gặp ở trẻ từ 6-36 tháng tuổi
Nếu được chăm sóc đúng cách thì các nốt phát ban sẽ không để lại vết thâm (ngoại trừ sởi), nhưng nếu để xảy ra nhiễm khuẩn thì nốt ban này có thể lở loét và gây sẹo.
Bệnh thủy đậu thường có tốc độ lây lan cao nhưng sốt phát ban hiếm khi bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên bố mẹ cũng không được chủ quan vì bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Xem thêm:
- Bệnh thủy đậu là gì? Làm sao để không bị lây bệnh thủy đậu?
Một số hình ảnh sốt phát ban ở trẻ em
Tùy theo nguyên nhân, thời điểm mà triệu chứng phát ban sẽ khác nhau, do đó cha mẹ cần lưu ý phân biệt để chăm sóc, điều trị cho đúng cách, phù hợp với tình trạng của con mình. Dưới đây là một số hình ảnh sốt phát ban ở trẻ nhỏ thường thấy.
Hình ảnh sốt phát ban ở trẻ em mắc bệnh sởi
Nếu là phát ban do mắc bệnh sởi thì các nốt sởi ban đầu sẽ xuất hiện sau tai, rồi lan dần sang hai bên má rồi xuống cổ, ngực, 2 cánh tay. Trong 24 tiếng tiếp theo, nó lan rộng ra lưng, hông, xuống chân, ban đầu là màu hồng nhạt sau đó đỏ dần lên, gây ngứa, làm tăng thân nhiệt, bé bị sốt phát ban do sởi sẽ thấy khó chịu.
Hình ảnh bệnh sởi ở trẻ em
Nếu là sốt phát ban thì khi trẻ giảm sốt, các ban đỏ sẽ nổi đồng loạt trên da và khi lặn thì nó không để lại dấu tích gì. Thế nhưng ban do bệnh sởi thì rất đặc trưng, ban đầu là ở sau tai rồi mới lan dần xuống dưới, khi khỏi thì sẽ lặn theo thứ tự đã nổi và còn để lại vết thâm trên da sau khi chúng biến mất.
Hình ảnh sốt phát ban ở trẻ em bị thủy đậu
Nếu là nổi ban do thủy đậu thì các nốt này sẽ có đường kính vài milimet và xuất hiện trong 24-48 giờ đầu sau khi có triệu chứng sốt. Lúc đầu là ban dát đỏ sau đó tiến triển thành nốt mụn nước trong, nằm nông trên bề mặt da, sau 24-48 giờ tiếp theo sẽ ngả vàng, có hình cầu nổi trên mặt da 2mm. Ban mọc rải rác khắp cơ thể, thậm chí là cả trong miệng và chân tóc, tuy nhiên không có ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Hình ảnh trẻ em bị số phát ban do bệnh thủy đậu
Sau khoảng 4-6 ngày, nốt mụn nước tự khô, đóng vảy và bong ra sau 1 tuần, không để lại sẹo trừ khi nó bị loét và bội nhiễm.
Hình ảnh sốt phát ban ở trẻ em bị sốt xuất huyết
Ban do sốt xuất huyết là dạng dát sẩn đa hình thái, xuất hiện từ 3-4 ngày sau khi sốt và nó sẽ thuyên giảm sau 1-2 ngày, tuy nhiên lại có thể nổi lại vào ngày sau. Vị trí xuất hiện đầu tiên là thân mình rồi lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Hình ảnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Cách phân biệt ban đỏ do sốt phát ban và ban đỏ do sốt xuất huyết như sau: bố mẹ dùng 2 ngón tay kéo căng vùng da nổi ban hoặc vùng da xung huyết. Nếu ban đỏ mất đi và xuất hiện ngay khi bỏ tay ra thì đó là ban do sốt phát ban và ngược lại, nếu các chấm đỏ không mất đi sau khi căng da thì đó là dấu hiệu của sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, để đảm bảo chính xác, tránh nguy cơ có bệnh lý tiềm ẩn thì tốt nhất phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán và điều trị với bác sĩ chuyên khoa.
Hình ảnh sốt phát ban ở trẻ em bị sốt tinh hồng nhiệt
Sốt tinh hồng nhiệt là bệnh do vi khuẩn Streptococcus gây ra với đặc trưng là các chấm màu đỏ hồng, bóng trên cơ thể. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 4-8 tuổi với triệu chứng sốt đột ngột, đau họng, hạch cổ sưng to, buồn nôn, nôn, đau đầu, ăn không ngon, lưỡi sưng đỏ như dâu tây, đau bụng, đau người, mệt mỏi.
Hình ảnh nổi phát ban do sốt xuất huyết
Trẻ phát ban đỏ sau 3 ngày sốt, bắt đầu sẽ là vùng dưới tai, cổ, ngực, nách, háng rồi lan ra các vùng khác sau 24 giờ. Ban có dạng cát thô, nhỏ, nóng, đồng đều, tập trung thành mảng, khi sờ vào có cảm giác như giấy nhám.
Hình ảnh sốt phát ban ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ có các ban nổi như vết sẹo nhỏ, hơi đỏ và phẳng sau đó mới dần dần rộp lên, có nước bên trong và khi lành thì không tạo sẹo. Khác với nốt thủy đậu gây ngứa và nhức thì nốt tay chân miệng không đau, không ngứa.
Hình ảnh trẻ phát ban do bị tay chân miệng
Cách chăm sóc khi trẻ bị sốt phát ban - cha mẹ cần biết
Khi trẻ bị sốt phát ban, nguyên tắc chăm sóc tại nhà là yếu tố quyết định trong việc chữa trị. Do đó, cha mẹ hãy làm theo hướng dẫn dưới đây:
- Nếu trẻ sốt từ 38 độ C trở lên thì cho uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ
- Hạ nhiệt bằng cách dùng khăn ấm lau vùng nách, bẹn, bàn tay,...
- Nói rộng quần áo, mặc đồ thoáng mát và thấm hút mồ hôi
- Cho trẻ ăn đồ mềm, lỏng, dễ tiêu,...
- Bổ sung nước hoặc tăng cữ bú và lượng sữa nếu trẻ đang trong giai đoạn bú sữa mẹ
- Giữ cho da bé luôn sạch và khô thoáng, không nên kiêng gió, nước
- Đưa trẻ đi khám khi có dấu hiệu bất thường như sốt cao không hạ sau khi đã phát ban, lừ đừ, li bì, hôn mê, co giật, khó thở, thở nhanh gấp, tình trạng không chuyển biến tốt sau 3 ngày...
Sốt phát ban không quá nguy hiểm nhưng cần được phát hiện và điều trị sớm. Mong rằng với những hình ảnh mà bài viết cung cấp sẽ giúp phụ huynh dễ dàng nhận biết bệnh và xử lý kịp thời. Liên hệ ngay Hotline 1900 1806 nếu cần tư vấn hoặc đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa với hàng chục năm kinh nghiệm.