12 tác hại của mất ngủ kéo dài cần lưu ý và khắc phục ngay

Admin
Tác hại của mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến hoặc làm tăng nặng nhiều bệnh lý về tim mạch, thần kinh, hô hấp,... cần thăm khám và điều trị kịp thời.

Tác hại của mất ngủ hay tác hại của việc mất ngủ có thể rất đa dạng, khác nhau tùy từng trường hợp, ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

tác hại của mất ngủ

Mọi đối tượng, độ tuổi đều có nguy cơ gặp phải tình trạng mất ngủ. Ban đầu, tình trạng này chỉ gây mệt mỏi nhất thời, tuy nhiên về lâu dài tác hại mất ngủ có thể khiến cơ thể phải gánh chịu nhiều hệ lụy nguy hiểm. Vậy mất ngủ là tình trạng như thế nào? Mất ngủ khi nào là báo động và tác hại của mất ngủ kéo dài là gì?

Thế nào là mất ngủ?

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến, xảy ra do nhiều nguyên nhân. Cơ thể gặp phải những vấn đề như khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ, dễ thức giấc, ngủ chập chờn, tỉnh giấc sớm khi chưa ngủ đủ giấc… Người thường xuyên mất ngủ còn gặp phải hiện tượng mệt mỏi, đau đầu, luôn cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Mất ngủ được chia thành 2 dạng chính, bao gồm:

  • Mất ngủ dạng cấp tính: Hiện tượng này xảy ra không thường xuyên và không kéo dài (xảy ra ít hơn 1 tháng).
  • Mất ngủ dạng mạn tính: Ở dạng mạn tính, tình trạng mất ngủ của người bệnh thường kéo dài hơn 1 tháng và lặp đi lặp lại nhiều lần.

Một số nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ gây khởi phát chứng mất ngủ gồm có: (1)

banner tâm anh quận 7 content

  • Sức khỏe tâm thần suy giảm: Các yếu tố như áp lực công việc, căng thẳng, buồn bã, môi trường sống thay đổi đột ngột, cú sốc về tâm lý… đều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây mất ngủ kéo dài.
  • Tuổi tác: Người cao tuổi là đối tượng dễ bị mất ngủ vì cơ thể giảm khả năng duy trì hoạt động bình thường do quá trình lão hóa hoặc bệnh lý.
  • Nhịp sinh học bị thay đổi: Thường xuyên di chuyển đến nhiều nơi khác nhau khiến cơ thể không kịp thích nghi với điều kiện môi trường, thời tiết, múi giờ, từ đó dẫn đến tình trạng suy giảm chất lượng giấc ngủ.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc giảm đau, thuốc trị bệnh hen suyễn, thuốc chống trầm cảm… có thể gây mất ngủ và dẫn đến tác hại của mất ngủ.
  • Lạm dụng chất kích thích: Caffeine trong trà và cà phê, nicotine trong thuốc lá có thể gây rối loạn giấc ngủ. Do đó, lạm dụng thuốc lá, trà, cà phê… có thể dẫn đến chứng mất ngủ mạn tính.
  • Bệnh lý và các rối loạn gây mất ngủ: Hội chứng ngưng thở khi ngủ, chứng chân bồn chồn… có thể khiến người bệnh bị mất ngủ kéo dài. Các bệnh lý nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh cơ xương khớp… cũng gây rối loạn giấc ngủ, từ đó dẫn đến tác hại của việc mất ngủ.

Ngoài ra, vẫn còn một số nguyên nhân khác gây mất ngủ như thói quen ăn quá nhiều vào buổi tối, lười vận động thể chất, ít giao tiếp xã hội, giờ giấc ngủ không cố định, lạm dụng các thiết bị điện tử…

tác hại của việc mất ngủ
Tác hại của mất ngủ có thể khiến người bệnh gánh chịu nhiều hệ lụy về sức khỏe

12 tác hại của mất ngủ kéo dài

Dưới đây là 12 tác hại của việc mất ngủ thường gặp nếu người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời:

1. Suy giảm trí nhớ, kém tập trung có thể là tác hại của mất ngủ

Các chuyên gia cho biết, khi cơ thể ở trạng thái ngủ sâu, vỏ não sẽ tiếp nhận thông tin và lưu trữ ký ức. Chất lượng giấc ngủ suy giảm khiến quá trình tiếp nhận và ghi nhớ thông tin của não bộ bị gián đoạn, gây ra tình trạng kém tập trung, hay quên.

2. Thay đổi tính tình, dễ cáu gắt

Mất ngủ ban đêm sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi và uể oải vào ban ngày. Cơ thể mệt mỏi kéo theo tâm trạng có khuynh hướng tiêu cực, thay đổi tính cách, dễ cáu gắt và kích động với mọi vấn đề. Trong đó, thay đổi tính cách và dễ cáu gắt là 2 hệ lụy, tác hại của mất ngủ thường gặp và dễ nhận biết. (2)

cáu gắt tác hại của mất ngủ
Thường xuyên căng thẳng, dễ cáu gắt có thể là tác hại của việc mất ngủ

3. Tăng nguy cơ trầm cảm

Trên thực tế, giấc ngủ kém đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phát triển bệnh lo âu, trầm cảm. Theo các nghiên cứu y khoa, người thường xuyên ngủ ít hơn 6 giờ vào ban đêm có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn người khác. Bởi vì mất ngủ có thể làm sa sút sức khỏe tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi phát triển bệnh trầm cảm.

Ngoài ra, kéo dài tình trạng mất ngủ còn khiến cơ thể dễ mắc phải các bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh về tim mạch… Chính những bệnh lý này đã góp phần làm gia tăng nguy cơ bị trầm cảm.

4. Suy giảm miễn dịch, dễ bị ốm

Suy giảm miễn dịch là một trong những tác hại mất ngủ phổ biến. Theo nghiên cứu, chất lượng giấc ngủ và hoạt động của hệ miễn dịch có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Khi ngủ cơ thể sẽ giải phóng chất cytokine – đây là chất cần thiết trong hoạt động của hệ thống miễn dịch. Thông thường, khi mầm bệnh tấn công, trong lúc ngủ cơ thể sẽ sản xuất lượng cytokine nhiều hơn để củng cố hệ miễn dịch. Do đó, mất ngủ có thể cản trở khả năng hoạt động của hệ miễn dịch và cơ thể dễ bị ốm hơn.

5. Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ có thể là tác hại của mất ngủ kéo dài

Các bệnh về tim mạch và đột quỵ với nguy cơ tử vong cao cũng có thể là tác hại của mất ngủ kéo dài. Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể tạo điều kiện khởi phát các bệnh lý như tăng huyết áp, suy tim, đau tim, xơ vữa động mạch… Theo Hội Đột quỵ Thế giới, nguy cơ bị đột quỵ ở người thường xuyên mất ngủ có thể cao hơn người khác. Đặc biệt, nguy cơ này sẽ tăng thêm gấp 8 lần ở đối tượng mắc chứng mất ngủ, khó ngủ trong độ tuổi từ 18 – 34.

tác hại của mất ngủ kéo dài gây đột quỵ
Đột quỵ có thể là tác hại của mất ngủ kéo dài

6. Nguy cơ bị đái tháo đường

Thiếu ngủ, mất ngủ có thể làm gia tăng nguy cơ bị tiểu đường ở người trưởng thành. Bởi vì kéo dài tình trạng mất ngủ có thể gây ra hiện tượng kháng insulin, khiến lượng đường trong máu tăng cao và dẫn đến bệnh tiểu đường.

7. Vô sinh, hiếm muộn có thể là tác hại của mất ngủ

Tình trạng suy giảm giấc ngủ xảy ra trong thời gian dài không chỉ gây mệt mỏi mà còn làm rối loạn quá trình giải phóng hormone sinh dục của cả nam và nữ. Cụ thể, mất ngủ thường xuyên có thể gây ức chế hormone kích thích rụng trứng ở phụ nữ và làm suy giảm chất lượng tinh trùng ở đàn ông.

8. Gây tăng cân

Nhiều người tin rằng việc thức khuya, ngủ ít hơn sẽ làm cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng giúp giảm cân. Tuy nhiên, trên thực tế tăng cân có thể xảy ra như một tác hại của mất ngủ, thiếu ngủ. Theo nghiên cứu, những người thường xuyên ngủ ít hơn 6 giờ mỗi ngày có nguy cơ bị thừa cân, béo phì cao hơn khoảng 30% so với người khác. Bởi vì mất ngủ có thể làm giảm lượng hormone truyền tải tín hiệu no (leptin) và gây tăng lượng hormone kích thích cảm giác đói (ghrelin).

Tình trạng suy giảm chất lượng giấc ngủ còn gây rối loạn hoạt động của vùng não đảm nhiệm vai trò điều khiển việc ăn uống, khiến cơ thể cảm thấy thèm chất bột đường, chất béo nhiều hơn. Do đó, người bị mất ngủ vào ban đêm có thể gặp phải tình trạng ăn uống mất kiểm soát và gây thừa cân, béo phì. (3)

9. Gây hại cho da

Khi ngủ không đủ giấc, cơ thể sẽ giải phóng lượng hormone cortisol nhiều hơn bình thường. Hormone này có thể làm phá vỡ collagen. Do đó, mất ngủ có thể gây hại cho da với những biểu hiện cụ thể như sớm xuất hiện nếp nhăn và quầng thâm mắt, đốm nâu trên da nhiều hơn, thường xuyên bị khô da…

tác hại mất ngủ
Tác hại mất ngủ là có thể khiến làn da bị khô rát, sạm màu, quầng thâm mắt đậm gây mất thẩm mỹ

10. Tăng nguy cơ tai nạn cũng là tác hại của mất ngủ

Theo thống kê, có đến khoảng 30% trường hợp tai nạn giao thông tại Việt Nam liên quan đến vấn đề mất ngủ. Mất ngủ là nguyên nhân hàng đầu khiến người tham gia giao thông (đặc biệt là tài xế chạy đường dài) thường xuyên ngủ gục trong lúc lái xe, làm gia tăng nguy cơ gây tai nạn.

11. Giảm năng suất công việc

Suy giảm chất lượng giấc ngủ có thể làm giảm năng suất làm việc. Mất ngủ vào ban đêm khiến cơ thể không thể tái tạo đủ năng lượng cho ngày hôm sau. Khi đó, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ và kéo hiệu quả công việc giảm sút đáng kể.

12. Giảm ham muốn tình dục

Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tình dục. Theo nghiên cứu, nồng độ testosterone bị suy giảm đáng kể ở nam giới thường xuyên bị mất ngủ. Ở nữ giới, mất ngủ khiến cho tinh thần của họ không thoải mái, thường xuyên stress, từ đó làm giảm ham muốn tình dục, hạn chế việc tiết ra “chất bôi trơn” khi quan hệ.

Bị mất ngủ kéo dài phải làm sao?

Người bị mất ngủ, khó ngủ cần sớm đi khám để bác sĩ đánh giá tìn trạng, tìm ra nguyên nhân và điều trị phù hợp.

Để hạn chế các tác hại của việc mất ngủ, bên cạnh điều trị theo bác sĩ chỉ định, mỗi người cần học cách cải thiện giấc ngủ càng sớm càng tốt. Để duy trì chất lượng giấc ngủ tốt một cách hiệu quả và an toàn, bạn có thể kết hợp các biện pháp sau đây: (4)

  • Duy trì thói quen sinh hoạt khoa học: Thiết lập thói quen ngủ – thức cố định vào thời điểm nhất định và cố gắng duy trì mỗi ngày; không ngủ quá nhiều vào ban ngày; hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước giờ ngủ; không ăn quá no vào buổi tối; không lạm dụng chất kích thích như caffeine, nicotine, đồ uống có cồn…
  • Sử dụng tinh dầu thiên nhiên: Một số loại tinh dầu thiên nhiên như hoa nhài, sả chanh, lavender… có thể hỗ trợ làm dịu tinh thần, giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ hơn. Do đó, bạn có thể xông tinh dầu hoặc dùng tinh dầu massage cơ thể để cải thiện tình trạng mất ngủ.
  • Duy trì hoạt động rèn luyện thể chất: Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao giúp giải tỏa áp lực, căng thẳng từ đó nâng cao sức khỏe tổng thể. Duy trì rèn luyện thể chất còn giúp lưu thông máu não tốt hơn, có thể hỗ trợ cải thiện mất ngủ hiệu quả. Do đó, mỗi người nên dành ra ít nhất 30 phút (tần suất khoảng 3 lần/lần) để tập luyện thể thao như chạy bộ, tập gym, đạp xe, bơi lội…
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Duy trì chế độ ăn uống khoa học có thể hỗ trợ cải thiện chứng suy giảm chất lượng giấc ngủ, từ đó hạn chế tác hại của mất ngủ hữu hiệu. Cụ thể, người bị mất ngủ nên ưu tiên dùng các loại thực phẩm giàu vitamin B, magie, tryptophan như hạnh nhân, kiwi, hạt óc chó, cá hồi… trong bữa ăn hàng ngày. Mặt khác, để cải thiện tình trạng mất ngủ bạn cần tránh các loại thực phẩm khó tiêu hoặc gây cản trở quá trình tổng hợp chất tryptophan như bánh ngọt, món ăn nhiều dầu mỡ, thịt hộp…
  • Dùng trà thảo mộc và các dưỡng chất thiên nhiên: Một số loại trà thảo dược có tác dụng an thần, có lợi cho giấc ngủ như trà gừng, trà cây lạc tiên, trà hoa cúc, trà tâm sen… Bên cạnh đó, các hoạt chất thiên nhiên từ ginkgo biloba (bạch quả) và blueberry (việt quất) có thể giúp cải thiện chứng mất ngủ và phòng tránh các tác hại của mất ngủ hiệu quả. Các tinh chất thiên nhiên từ bộ đôi quả này có khả năng làm trung hòa gốc tự do trong cơ thể, điều hòa máu lên não và tăng cường cung cấp dưỡng chất nuôi não, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
phòng ngừa tác hại của mất ngủ
Xây dựng lối sống khoa học, chế độ dinh dưỡng phù hợp để duy trì chất lượng giấc ngủ

Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Mất ngủ có thể được cải thiện nếu người bệnh sớm phát hiện và can thiệp kịp thời. Nếu kéo dài tình trạng mất ngủ, người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều tác hại của mất ngủ, từ đó dẫn đến hoặc làm tăng nặng nhiều bệnh lý về tim mạch, thần kinh, hô hấp… trong tương lai. Mọi người cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng giấc ngủ của bản thân. Nếu có thắc mắc về tác hại của việc mất ngủ, bạn nên đi khám và trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn chi tiết.

Admin