Chợ quê

Admin
Từ bao đời nay, chợ quê vẫn luôn là hình ảnh thân thương nhất của mỗi làng quê, biểu hiện rõ cuộc sống bình dị, thuần khiết của người dân nông thôn. Và có lẽ, chợ quê cũng chính là hình những ký ức đẹp đẽ của biết bao người mỗi khi nhớ đến quê nhà.

Từ bao đời nay, chợ quê vẫn luôn là hình ảnh thân thương nhất của mỗi làng quê, biểu hiện rõ cuộc sống bình dị, thuần khiết của người dân nông thôn. Và có lẽ, chợ quê cũng chính là hình những ký ức đẹp đẽ của biết bao người mỗi khi nhớ đến quê nhà.

Một buổi sáng tháng Năm, cái nắng hè oi ả bắt đầu đổ dài trên những cung đường. Tôi có dịp cùng một chị đồng nghiệp về công tác tại một vài xã phía bờ nam sông Đuống. Xong việc, chúng tôi lái xe ngang qua nhiều khu chợ nhỏ ở Gia Bình, Thuận Thành, tôi ngỏ ý: Chợ Hồ rất thú vị và có món bánh cuốn Mão Điền, món cháo bánh dày ngon tuyệt, chị có muốn thử không”. Vốn là người thành phố, cũng nghe danh các món đặc sản địa phương đã lâu nhưng chưa có dịp thưởng thức đúng gốc, chị bạn tôi phấn khởi đồng ý.

Chợ quê với những thức quà đơn giản vẫn luôn là những kỷ niệm đẹp trong ký ức.

Chúng tôi dừng xe, bước xuống khu chợ Hồ (thị xã Thuận Thành), chợ ngay triền đê, không quá rộng và hiện đại nhưng được cái sạch sẽ và đa dạng hàng hóa của người dân địa phương. Mỗi người, mỗi gian hàng có những loại hàng hóa khác nhau. Ngay từ cổng vào, chúng ta đã nghe thấy âm thanh náo nhiệt, ồn ào, tấp nập của kẻ mua người bán, người mời hàng, người trả giá và còn có cả tiếng trò chuyện rôm rả, vui vẻ của những cô, những bác đi chợ. Tìm về hàng bánh cuốn quen thuộc của cô May phía gần cuối chợ, chúng tôi gọi 1 đĩa bánh cuốn và 2 bát cháo bánh giày. Vừa ăn, tôi vừa kể cho chị nghe những kỷ niệm tuổi thơ tôi gắn bó với những phiên chợ quê. Ngày đó, khi tôi mới học độ lớp 6, gia đình cũng chẳng hề khá giả. Bố mẹ tôi làm nông nghiệp vì thế hay có rau, khoai mang đi chợ bán. Những sớm được nghỉ học, tôi thường đòi mẹ cho đi chợ cùng, nói là để trông hàng giúp mẹ, nhưng thật tình là tôi thèm được đi để ngắm cái đông vui ở chợ. Thèm hơn là những món quà quê, bởi mỗi lần bán hàng hết sớm, mẹ thường mua cho tôi cái bánh rán, bánh giày hoặc đĩa bánh cuốn… chỉ thế là thích lắm rồi.

 Những năm ấy, chợ quê đơn giản lắm, các mặt hàng ở chợ phiên chủ yếu là những thứ cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày, mỗi phiên chợ lại được bày bán khác nhau, khi thì một vài mớ rau, lúc thì một vài nải chuối, khi thì con cá mớ tôm, gần như tất cả đều là cây trồng vật nuôi của từng gia đình đem bán. Hoặc là con dao, cái cày, cái cuốc… những vật dụng cần thiết trong lao động nông nghiệp. Người ta chỉ bày bán những thứ trong nhà nuôi, trồng được, không có nhiều sản vật phong phú như bây giờ.  

Chợ quê tôi vẫn đông vui, tấp nập, những sản vật quê hương phong phú, được những người dân quê hồn hậu, chân chất, thật thà mang ra bán. Những rau củ, hoa trái, thịt cá quanh năm mùa nào thức ấy, những gương mặt, nụ cười, ánh mắt tươi rói của cả người mua và bán làm cho không gian chợ bừng lên tươi sáng. Cùng với công cuộc xây dựng nông thôn mới, chợ quê nhiều nơi cũng được xây dựng, cải tạo nhưng những nét văn hóa độc đáo vẫn còn đó.

Sống giữa thành phố lớn, nhịp sống hiện đại khiến những ký ức năm nào đã dần phai mờ theo năm tháng. Những trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mọc lên như nấm, việc mua sắm trở lên nhanh chóng và thuận lợi, hàng hóa thì phong phú. Hơn thế những hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, giúp cho chúng ta chỉ ngồi một chỗ lướt điện thoại cũng lựa chọn được những sản phẩm ưng ý và được giao đến tận nhà, nhưng đâu đó hình ảnh chợ quê vẫn hiện lên với những ký ức khó phai. Để rồi, những người xa quê khi có dịp trở về đều háo hức đi chợ, đến đây không chỉ để mua sắm, mà đôi khi chỉ để tìm lại những ký ức tuổi thơ lâu ngày bị chôn vùi trong mớ hỗn độn của cuộc sống hiện đại, để được hòa mình vào sự hồn hậu thân tình, để tạm quên những lo toan mệt mỏi ngoài kia.

Admin