Báo VietnamNet

Admin
Trong một dịp được cấp phép bay flycam ở các khu vực 'vùng đỏ' của Hà Nội đầu tháng 10, nhiếp ảnh gia Vũ Minh Quân đã ghi lại nhiều bức hình độc đáo về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh xung quanh hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây.

Trong một dịp được cấp phép bay flycam ở các khu vực "vùng đỏ" của Hà Nội đầu tháng 10, nhiếp ảnh gia Vũ Minh Quân đã ghi lại nhiều bức hình độc đáo về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh xung quanh hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây. Anh chia sẻ với độc giả VietNamNet.

Hồ Hoàn Kiếm là một hồ nước ngọt tự nhiên nằm ở trung tâm Hà Nội. Hồ có diện tích khoảng 12ha, chu vi 1,7km. Trước kia, hồ còn có các tên gọi là Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm), hồ Thủy Quân (dùng để duyệt thủy binh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng,... Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho Rùa thần.

Tháp Rùa trên hồ Gươm, công trình lịch sử giữa lòng Hà Nội được xây dựng với lối kiến trúc độc đáo, giao thoa giữa kiến trúc bản địa và kiến trúc Pháp. Từ lâu, hình ảnh này đã trở thành biểu tượng du lịch quen thuộc với người dân và du khách. 

Đền Ngọc Sơn thuộc cụm di tích Hồ Hoàn Kiếm, là ngôi đền thờ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn và thần chủ quản công danh Văn Xương Đế Quân. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi thờ Phật, ban Công Đồng,... 

Cầu Thê Húc với sắc đỏ đặc trưng, nằm nổi bật giữa hồ Hoàn Kiếm dẫn vào đền Ngọc Sơn. Nhờ thiết kế độc đáo, du khách rất thích đến đây để check-in. Từ lâu, địa danh này đã trở thành một trong những biểu tượng của Thủ đô. 

Tượng đài Vua Lý Thái Tổ được đặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ, đường Đinh Tiên Hoàng. Đây là một công trình kiến trúc văn hóa đẹp, nhằm tôn vinh Vua Lý Thái Tổ (974 - 1028), người có công khai sáng kinh thành Thăng Long.

Tháp Bút hồ Gươm (trái) được xây dựng trên nền một ngọn núi có tên là Độc Tôn. Tháp có dạng hình vuông gồm năm tầng. Đỉnh tháp là một ngòi bút lông dựng ngược chỉ lên trời, cả cán và ngòi bút cao 0,9m. Tổng cộng chiều cao của công trình tháp bút là 28m, ba tầng giữa tháp có khắc 3 chữ “Tả Thanh Thiên” bằng chữ Hán - có nghĩa là “Viết lên trời xanh”, thể hiện hào khí ngút trời của những bậc sĩ phu thời xưa.

Cột đồng hồ Bưu điện Hà Nội được xây dựng cùng tòa nhà 75 Đinh Tiên Hoàng (nay là trụ sở của VNPT Hà Nội) từ năm 1976, nhưng đến năm 1978 mới chính thức đi vào hoạt động. Hơn 40 năm đứng bên bờ hồ Hoàn Kiếm, cột đồng hồ bưu điện cũng trở thành một biểu tượng của Thủ đô. 

Dạo quanh hồ Gươm, du khách sẽ gặp Thủy Tạ - một công trình kiến trúc có hình dáng giống một con thuyền neo đậu bên hồ ngay đầu phố Lê Thái Tổ. Tòa nhà uốn cong theo mép bờ hồ dài hơn 50m với diện tích khoảng 600m2. Công trình này đã được xây dựng cách đây gần 100 năm. 

Vườn hoa Con Cóc là công trình lạ mắt nằm cách hồ Gươm khoảng 300m. Khu vực này là một quần thể kiến trúc Pháp, bao gồm Ngân hàng Nhà nước, Nhà khách Chính phủ, khách sạn Sofitel Metropole... Với diện tích 4.488m2 đây là công trình được người Pháp xây dựng để tưởng nhớ Léon Jean Laurent Chavassieux (1848-1895) - Phó Toàn quyền Đông Dương khi ấy.

Nhà thờ lớn Hà Nội có tên đầy đủ chính thức là Nhà thờ chính tòa thánh Giuse, nằm ngay ngã ba Nhà Chung, phố Nhà thờ và phố Lý Quốc Sư (quận Hoàn Kiếm). Đây không chỉ là nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc Tổng giáo phận Hà Nội mà là điểm đến tham quan của du khách khi ghé thăm Thủ đô.

Ảnh bên phải là phố Tràng Tiền. Trước đây, tuyến phố này là một con đường dài, phía Đông giáp cửa ô Tây Long (nay là Nhà hát Lớn), phía Tây giáp phủ Chúa Trịnh, thông ra bến sông Hồng và căn cứ Đồn Thủy. Đoạn đường này đi qua địa phận 3 thôn gồm Cựu Lâu, Thạch Trần, Tây Long của tổng Phúc Lâm (Hữu Túc), huyện Thọ Xương cũ. Đến năm 1908, vua Gia Long cho xây dựng một xưởng đúc tiền tại đây với tên chữ là Bảo Tuyền Cục mà người dân quen gọi là Tràng Tiền.

Đường Thanh Niên nằm giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, cách hồ Gươm khoảng 3km. Nơi đây được biết đến là “con đường tình yêu” lãng mạn bậc nhất Hà Nội. 

Hồ Tây là hồ tự nhiên lớn nhất Hà Nội với diện tích 500ha, chu vi khoảng 20km. Quanh hồ Tây là các tuyến đường xanh mát. Trước đây, nơi này là một phần của sông Hồng nhưng sau khi đổi dòng đã ngưng đọng và trở thành hồ nước ngọt rộng lớn. 

Ngay cạnh đó là hồ Trúc Bạch với một nét đẹp trầm lắng. Ban đầu, Hồ Trúc Bạch là một phần của hồ Tây. Vào năm 1620, người xưa đã xây dựng một con đê chắn ngang hồ lớn này dưới dạng một bờ kè nhỏ để xúc tiến các hoạt động đánh bắt cá và bị tách ra thành hai hồ. Theo đó, phần phía Tây trở thành hồ Tây, và phần phía Đông trở thành hồ Trúc Bạch. 

Nằm ở phía đông hồ Tây là chùa Trấn Quốc tuổi đời hơn 1.500 năm, tổng diện tích hơn 3.000m2, bao gồm vườn tháp, nhà tổ và thượng điện. Đây là ngôi chùa cổ và linh thiêng bậc nhất Hà Nội. Từng là trung tâm Phật giáo của Thăng Long dưới thời Lý - Trần, chùa Trấn Quốc trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn của Thủ đô, thu hút rất đông du khách mỗi năm. Đặc biệt, năm 2016, chùa Trấn Quốc đã lọt vào danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do Daily Mail của Anh bình chọn.

Nằm đối diện chùa Trấn Quốc, ngự trên mặt hồ Trúc Bạch là Nhà hàng Bánh Tôm Hồ Tây, một trong những địa điểm ẩm thực nổi tiếng ở Hà Nội, đặc trưng của nền văn hóa ẩm thực Thăng Long.

Nằm gần hồ Tây còn có Trường THPT Chu Văn An (phường Thụy Khuê, Tây Hồ) tiền thân là Collège du Protectorat (trường Trung học Bảo hộ) do chính quyền Pháp xây dựng năm 1908. Do trường được xây dựng trên đất làng Thụy Khuê (thời Hậu Lê là nơi đặt điện Thụy Chương) ở vùng Kẻ Bưởi, ven hồ Tây, người dân vẫn gọi là trường Bưởi. Đây là một trong những trường phổ thông lâu đời và giàu truyền thống nhất Việt Nam.

Cuối đường Thanh Niên, gần Trường THPT Chu Văn An còn có đền Quán Thánh, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ cao gần 4m, nặng 4 tấn - một trong 4 vị thần được lập đền thờ để trấn giữ 4 cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa. Theo những ghi chép được tìm thấy trên các văn bia và tài liệu sử sách, đền Quán Thánh được xây dựng vào đầu thời nhà Lý rồi sau đó được trùng tu và cải tạo nhiều lần. Không chỉ có vậy, nơi đây còn chứa đựng nhiều bảo vật lịch sử quý hiếm từ cách đây hơn 3 thế kỷ.

Phủ Tây Hồ nằm ở số 52 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Nơi đây thờ chúa Liễu Hạnh - người được triều Nguyễn phong là “mẫu nghi thiên hạ”, một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam.

Công viên nước Hồ Tây nằm ngay bên bờ hồ Tây thơ mộng, là nơi quy tụ nhiều trò chơi hấp dẫn. Khu vui chơi, giải trí này thu hút đông đảo du khách không chỉ bởi vì những trải nghiệm hấp dẫn mà còn do gần nhiều địa điểm nổi tiếng, di tích lịch sử - văn hóa, đền, chùa linh thiêng như: Thung lũng hoa Hồ Tây, phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh, chùa Vạn Niên…

Bạt Tuấn, Đức Yên, Hữu Hải và nhóm BTV

Admin